Cam đường Canh Cây “triệu phú” trên đất Chi Lăng

Thứ 6, 22.11.2024 | 08:56:56
252 lượt xem

Ngoài những cây trồng đã được người dân đưa vào sản xuất từ lâu như na, bưởi... những năm gần đây, một số xã trên địa bàn huyện Chi Lăng đã phát triển mô hình trồng cây cam đường Canh và bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Cán bộ xã Bằng Mạc tham quan mô hình trồng cam đường Canh của gia đình anh Nguyễn Văn An, thôn Đông Quan

Những ngày giữa tháng 11/2024, chúng tôi có dịp được cùng cán bộ xã Bằng Mạc tham quan mô hình trồng cam đường Canh của gia đình anh Nguyễn Văn An tại thôn Đông Quan. Vừa tất bật chăm sóc, làm giàn để cố định lại những cành cây sai trĩu quả, anh An vừa chia sẻ: Qua tìm hiểu trên thị trường, nhận thấy cam đường Canh là cây có giá trị kinh tế cao, năm 2019, tôi đã đầu tư trồng khoảng 2.500 gốc cam (hơn 2 ha). Hiện trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được khoảng 50 tấn quả, với giá bán dao dộng từ 40.000 – 65.000 đồng/kg (tùy thời điểm và chất lượng quả), mang lại cho gia đình doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm.

Từ mô hình, gia đình anh An đã nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng và góp phần tạo việc làm thời vụ cho khoảng 30 lao động tại địa phương với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày.

Tương tự như gia đình anh An, gia đình chị Triệu Thị Lan, thôn Đơn Xa, xã Hòa Bình cũng phát triển mô hình trồng cây cam đường Canh. Chị Lan chia sẻ: Năm 2022, nhận thấy mô hình trồng cam đường Canh của một số hộ trồng trên địa bàn xã và các xã lân cận mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi đã quyết định đầu tư, mua hơn 500 gốc cây về trồng. Đây là loại cây đòi hỏi người trồng phải bỏ nhiều công chăm sóc, thường xuyên tưới nước tạo độ ẩm, bón phân và phát quang quanh gốc. Năm nay, cây cam đường Canh của gia đình cho thu hoạch năm đầu tiên, ước sản lượng đạt khoảng 10 tấn. Hiện đang chuẩn bị bước vào chính vụ thu hoạch, gia đình tôi đã bán được hơn 1 tạ quả, với giá bán 65.000 đồng/kg.

 Ông Vi Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Mô hình trồng cam đường Canh phát triển trên địa bàn xã từ năm 2020. Hiện toàn xã có 24 hộ trồng với diện tích gần 28 ha. Để hỗ trợ người dân phát triển mô hình, hằng năm, UBND xã phối hợp với các đơn vị liên quan mở 2 - 3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả (trong đó có cây cam đường Canh) cho người dân. Ngoài ra, chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn xã có 2 hộ được vay vốn theo Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, với tổng số vốn là 350 triệu đồng để phát triển trồng cam đường Canh.

Không chỉ có 2 xã kể trên, mô hình trồng cam đường Canh còn được phát triển ở một số xã trên địa bàn huyện Chi Lăng. Cụ thể, toàn huyện hiện có gần 60 ha cam đường Canh, trong đó có khoảng 50 ha cho thu hoạch, với hơn 50 hộ trồng, tập trung chủ yếu ở các xã: Hòa Bình, Bằng Mạc, Vạn Linh, Gia Lộc. Tổng sản lượng thu hoạch cam đường Canh toàn huyện khoảng 1.000 tấn/năm, cho giá trị kinh tế trên 50 tỷ đồng. Từ mô hình, các hộ có thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí), có một số hộ thu từ 2 tỷ đồng/năm trở lên. Đây cũng là 1 trong 2 huyện (cùng với huyện Bắc Sơn) có diện tích trồng cam đường Canh lớn nhất cả tỉnh.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện chủ trương phát triển các mô hình trồng cây ăn quả có múi để thực hiện tái cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Thực tế cho thấy, mô hình trồng cây cam đường Canh bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại một số xã. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã có điều kiện tự nhiên phù hợp để tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển, mở rộng mô hình; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình trồng, chăm sóc cây cho người dân... góp phần giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây trồng.

Có thể thấy, với giá trị kinh tế mang lại, cây cam đường Canh đã và đang trở thành cây “triệu phú” mới trên  đất Chi Lăng, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/cam-duong-canh-cay-trieu-phu-moi-tren-dat-chi-lang-5028891.html

  • Từ khóa