Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia các công trình dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban chỉ đạo), chủ trì phiên họp thứ 15 Ban chỉ đạo. Tham dự phiên họp có đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên Ban chỉ đạo, các ban quản lý dự án, nhà thầu liên quan. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 44 điểm cầu tại các tỉnh trên cả nước.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu Lạng Sơn
Dự phiên họp tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành và nhà đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng.
Tại phiên họp lần thứ 14 ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 83 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương, trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 41 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang triển khai 33 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 7 nhiệm vụ.
Đối với tình hình thực hiện các dự án, các địa phương được giao chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án như: điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng -Trà Lĩnh; dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Nội…
Công tác giải phóng mặt bằng các dự án được các địa phương thực hiện tích cực, có hiệu quả, phần diện tích bàn giao tăng 20% so với kỳ họp thứ 14. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang bàn giao tăng 38% tại dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; tỉnh Lạng Sơn bàn giao tăng 71% tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và bàn giao mặt bằng tăng 45% tại dự án Hữu Nghị - Chi Lăng; tỉnh Đồng Nai tăng 25% tại dự án thành phần 2 Biên Hòa - Vũng Tàu…
Cùng đó, các địa phương khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ cũng đã từng bước tháo gỡ khó khăn về vật liệu cung ứng cho các dự án trong khu vực, nhưng tại một số địa phương vẫn thiếu vật liệu đối với một số chủng loại. Các tỉnh phía Nam, công tác tháo gỡ vướng mắc về vật liệu xây dựng chưa đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với tình hình thi công xây lắp, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản dự án đã rà soát kế hoạch triển khai, xây dựng kế hoạch chi tiết đối với 25 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025, trong đó có 12 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).
Tại phiên họp, đại diện các địa phương đã báo cáo về kết quả giải quyết vấn đề thiếu vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án; tiến độ hoàn thiện hồ sơ nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu xây dựng; xử lý các vướng mắc về cơ chế tài chính cho các dự án đầu tư theo hình thức BOT sang đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cùng đó, các địa phương cũng cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là tiến độ giải phóng mặt bằng các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2…
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: trong năm 2025 mục tiêu của Trung ương đề ra là phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương được giao chủ quản các dự án, các nhà thầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các dự án, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra. Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án để phát huy nguồn vốn đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện hiệu quả giải phóng mặt bằng các dự án, gắn với đó các địa phương phải bảo đảm sinh kế, ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất. Đồng thời, các địa phương quan tâm động viên các công nhân, kỹ sư thi công trên công trường phù hợp để thúc đẩy tiến độ các dự án. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long triển khai mở rộng các mỏ khai thác khoáng sản để cung cấp đủ vật liệu xây dựng cho các dự án.
Các chủ thể tham gia thực hiện các dự án tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ đã phát động.
Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các quy định pháp lý về đầu tư xây dựng để tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về cơ chế thực hiện các dự án, nhất là các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bến Lức - Long Thành, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh…
Tình hình thực hiện các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tính đến hết tháng 11/2024: * Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng: - Công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án, các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn và huyện Văn Lãng đã bàn giao mặt bằng được 41,87/59,8 km, tương đương 70% tổng chiều dài tuyến - Thi công xây lắp, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã bố trí 32 mũi thi công, giá trị khối lượng thực hiện được 228,3/6.580 tỷ đồng, đạt 3,48% giá trị hợp đồng. * Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) -Trà Lĩnh (Cao Bằng): - Công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Lạng Sơn, hai huyện Văn Lãng và Tràng Định đã bàn giao mặt bằng được 51,88km/52km, đạt 99,77% chiều dài tuyến. - Thi công xây lắp, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã bố trí tổ chức 27 mũi thi công, giá trị khối lượng thực hiện được 567 tỷ đồng/10.056 tỷ đồng, đạt 5,64% giá trị hợp đồng. |
Theo baolangson.vn