Năm 2024, việc sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn. Trước những thách thức đó, các cấp hội nông dân (HND) luôn đồng hành, sát cánh với hội viên, nông dân (HVND) thông qua những hoạt động thiết thực. Qua đó, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất.
Năm 2024, việc sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn. Trước những thách thức đó, các cấp hội nông dân (HND) luôn đồng hành, sát cánh với hội viên, nông dân (HVND) thông qua những hoạt động thiết thực. Qua đó, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất.
Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình sơ chế hồi của hội viên nông dân xã Bình Phúc, huyện Văn Quan
Trong năm 2024, việc sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp những khó khăn nhất định. Trong chăn nuôi, bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Cùng với đó, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến cây trồng, vật nuôi của nhiều hộ HVND bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất chưa đồng bộ, chưa tập trung đi sâu vào bảo quản, chế biến sau thu hoạch, sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế…
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, các cấp HND đã đồng hành hỗ trợ nông dân bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho HVND, nhiều chỉ tiêu của hội đạt những kết quả tích cực. Tiêu biểu như: toàn tỉnh có 13.580 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp (tăng 3.216 hộ so với năm 2023 và đạt 135,8% so với chỉ tiêu đề ra); giúp đỡ trên 1.400 hộ HVND thoát nghèo (đạt 104,6% chỉ tiêu đề ra)…
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Để có được kết quả trên, HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường tuyên truyền các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động đến cán bộ, HVND, trọng tâm là đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKDG. Đồng thời, các cấp hội tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề… cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Hội viên nông dân xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả
Theo đó, năm 2024, các cấp hội tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn HVND đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… bằng phương thức “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 47 ngày 20/3/2024 của HND tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi HND trên toàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2028, cán bộ, công chức HND tỉnh đã tham dự 13 cuộc sinh hoạt chi HND; chủ tịch HND cơ sở tham dự sinh hoạt với trên 70% số chi hội. Qua những buổi sinh hoạt đó, cán bộ HND hiểu rõ hơn về những mong mỏi, nhu cầu của HVND và hỗ trợ kịp thời cho bà con.
Trong năm, các cấp hội đã tổ chức hơn 4.500 buổi tuyên truyền cho trên 220.000 lượt cán bộ, HVND; phối hợp tổ chức gần 80 lớp dạy nghề cho trên 2.600 HVND; tổ chức gần 300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 12.200 lượt HVND tham gia. Nội dung các buổi tập huấn tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt như: trồng, chăm sóc rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà…
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch HND huyện Văn Lãng cho biết: Trước những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, các cấp hội đã khẩn trương phối hợp hướng dẫn HVND một số biện pháp cụ thể như: cách phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả sau bão; phối hợp tổ chức hơn 20 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ HVND về vốn… Nhờ đó, bà con yên tâm sản xuất. Hiện toàn huyện có 822 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp (tăng hơn 260 hộ so với năm 2023 và đạt 140% chỉ tiêu), hội giúp đỡ 78 hộ HVND thoát nghèo.
Hội viên nông dân xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi bò
Đặc biệt, từ năm 2024, xác định các hộ SXKDG là nhân tố chính trong phong trào SXKDG nên hội còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên sâu về khoa học kỹ thuật cho gần 1.400 hội viên là nông dân SXKDG cấp huyện trở lên. Sau khi được tập huấn, họ lại là những tuyên truyền viên tích cực phổ biến các kiến thức đó đến những hội viên xung quanh.
Trong năm 2024, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động trên 22.900 HVND tham gia cài đặt ứng dụng “Nông dân Việt Nam” trên điện thoại thông minh. Nhờ ứng dụng, hội viên không chỉ được biết những thông tin chung về tổ chức HND các cấp mà còn được cung cấp các thông tin liên quan đến hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất điển hình, các gương nông dân SXKDG… trong và ngoài tỉnh. Từ đó, HVND có thể chủ động sắp xếp thời gian học hỏi, nâng cao kiến thức để áp dụng vào thực tiễn.
Khi HVND đã có tay nghề, kiến thức, các cấp hội đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn để bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, đầu tư kinh doanh. Năm 2024, các cấp hội nhận ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội cho HVND vay vốn với tổng số tiền trên 128,5 tỷ đồng (tăng 47 tỷ đồng so với năm 2023); triển khai 195 dự án cho hơn 1.700 hộ vay với tổng số vốn trên 57 tỷ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp…
Ngoài ra, các cấp hội còn thành lập các đoàn đưa HVND đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và tăng cường việc hỗ trợ HVND quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như năm 2024, HND tỉnh tham gia Hội chợ OCOP tại tỉnh Quảng Ninh để trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh…
Từ những hoạt động thiết thực trên, năm qua, nhiều mô hình sản xuất như trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ… của HVND đã được hình thành. Nhiều HVND mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy lợi thế địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Thân Văn Thắng, HVND thôn Việt Thắng Hang Đỏ, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gần 1.000 cây bạch đàn của gia đình tôi bị gió quật nghiêng, gãy đổ. Ngay sau đó, gia đình tôi đã được HND xã hướng dẫn, hỗ trợ chằng chống lại những cây bạch đàn bị gió quật nghiêng và chặt bỏ những cây đã gãy, hỏng. Cùng đó, tháng 11/2024, thông qua HND xã, gia đình tôi được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng mới và chăm sóc đồi cây bạch đàn, qua đó giúp gia đình khôi phục sản xuất.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2025, các cấp HND tiếp tục có nhiều hoạt động, giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho HVND phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/dong-hanh-cung-nong-dan-vuot-qua-kho-khan-5029686.html