Hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, nhiều địa phương ở Tây Nam Bộ tiếp tục nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí, trong đó có “làng thông minh” (ấp thông minh), mang lại nhiều tiện ích rất thiết thực cho người dân và giúp tăng cường sự tương tác, kết nối giữa người dân và chính quyền.
Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, bón phân đã phổ biến tại các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. (Ảnh MINH KHỞI)
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân…
Làng quê chuyển đổi số
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục hướng đến mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tại Ấp 5, xã Đốc Binh Kiều, một bộ mặt nông thôn rất mới hiện ra, đó là những cụm camera an ninh, những công trình thắp sáng đường quê bằng năng lượng mặt trời. Người dân thuần thục trong từng thao tác điều khiển nước tưới tiêu, xem mật độ sâu rầy trên đồng ruộng, thậm chí kinh doanh nhiều mặt hàng qua sàn thương mại điện tử thông qua chiếc điện thoại thông minh. Ấp 5 sớm “thay da đổi thịt” chính là nhờ một phần từ mô hình “làng thông minh” được Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười sớm triển khai thí điểm. Đây là mô hình được xem là điểm nhấn của địa phương trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban nhân dân Ấp 5 Võ Văn Trường cho biết, từ khi có mô hình “làng thông minh”, người dân mạnh dạn hơn trong áp dụng khoa học-công nghệ phục vụ sản xuất. Nhiều mùa vụ gần đây đạt năng suất cao cho thấy mô hình quan trắc thu thập và chia sẻ dữ liệu trực tuyến phục vụ sản xuất lúa được người dân ứng dụng mang lại hiệu quả cao. Nông dân đã biết cài đặt và dùng phần mềm thu thập hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, trong đó có những cảm biến về môi trường, đo nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió.
Bí thư Chi đoàn Ấp 5 Huỳnh Hữu Kha chia sẻ, sau thời gian vận động, hướng dẫn nông dân cài đặt ứng dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giờ đây, mọi người sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh để quan trắc thu thập và chia sẻ dữ liệu trực tuyến. Nhiều người còn bán sản phẩm cây trái và những mặt hàng khác trên các sàn thương mại điện tử...
Mô hình “làng thông minh” xã Đốc Binh Kiều có 888 hộ với gần 3.400 người tham gia qua ứng dụng “Làng thông minh Đốc Binh Kiều, Đồng Tháp”, cung cấp các tính năng như tin tức, khuyến nông, du lịch, thông tin thời tiết… Tại các địa điểm công cộng như: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã; trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng xã; nhà văn hóa ấp; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đốc Binh Kiều đều có kết nối internet băng thông rộng tốc độ cao. Các nút giao thông trọng điểm, khu vực đông người ở “làng thông minh” này đã lắp đặt 8 vị trí camera có 18 mắt camera giám sát an ninh, nhận diện khuôn mặt. Ủy ban nhân dân xã đã thành lập Ban quản lý điều hành “làng thông minh” với bảy thành viên sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet để phục vụ vận hành mô hình.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, “làng thông minh” là mô hình kết nối cộng đồng ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nông thôn bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương.
Tại tỉnh Trà Vinh, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và đã đạt chuẩn danh hiệu này vào năm 2023. Để xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu, Thạnh Phú tập trung quyết liệt cho công tác chuyển đổi số. Hiện, toàn xã có hai hợp tác xã nông nghiệp sử dụng nền tảng số trong quản lý và điều hành. Đến tháng 3/2024, xã có hơn 10 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, ba sản phẩm tiềm năng 5 sao và bảy sản phẩm 4 sao. Hiện, 100% sản phẩm chủ lực của xã đã được bán qua kênh thương mại điện tử…
Chủ động các giải pháp
Ở Đồng Tháp, xây dựng mô hình “làng thông minh” là một trong bốn nhóm tiêu chí của nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, bốn nhóm gồm: Hạ tầng số; chia sẻ dữ liệu; phát triển kinh tế nông nghiệp; quản trị và điều hành. Trong “làng thông minh” có bốn nội dung với 27 tiêu chí thành phần.
Triển khai mô hình “làng thông minh” đến năm 2025, định hướng đến 2030 theo lộ trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch về phát triển mô hình “làng thông minh” của tỉnh đến năm 2025. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn cho các địa phương trong tỉnh về xây dựng mô hình.
Tuy nhiên, để áp dụng khoa học, công nghệ chuyên phục vụ công việc cũng như trong cuộc sống, đòi hỏi địa phương phải đưa ra được các giải pháp, trong đó có xây dựng khung cấu trúc “làng thông minh”. Thực tế hiện nay, không ít địa phương còn lúng túng trong việc triển khai các tiêu chí của “làng thông minh” như: Hệ thống thông tin dữ liệu “làng thông minh”; mô hình quan trắc thu thập và chia sẻ dữ liệu trực tuyến phục vụ sản xuất, sinh hoạt...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp Đoàn Thanh Bình cho biết, huyện sẽ chỉ đạo sát sao để các phần việc, các nhiệm vụ trong xây dựng “làng thông minh” tiếp tục mang lại hiệu quả thực chất. Trên cơ sở chọn Ấp 5, xã Đốc Binh Kiều làm điểm, huyện Tháp Mười sẽ mở rộng mô hình “làng thông minh”. Thực tế cho thấy, những ấp lân cận Ấp 5 đã “bắt nhịp” dần tạo nên dáng dấp “làng thông minh”.
Thực tế tại huyện Tháp Mười cũng cho thấy, việc xây dựng “làng thông minh” đòi hỏi tính chủ động của xã trên cơ sở trợ giúp của huyện và ngành chức năng. Kinh nghiệm của huyện Tháp Mười là tiếp cận từ cơ sở, xây dựng mô hình “làng thông minh” từ cơ sở trước để có những tiện ích cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý địa bàn của chính quyền cấp xã. Khi xây dựng thành công thì sau đó nhân rộng mô hình ra nhiều địa bàn. Trên cơ sở đó, khi đủ điều kiện, từ thực tế của từng địa phương, Tháp Mười dự kiến sẽ thành lập một đơn vị giám sát, điều hành công tác triển khai công nghệ số trên địa bàn huyện.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đề xuất các sở, ngành của tỉnh có liên quan cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai mô hình “làng thông minh”. Ủy ban nhân dân cấp huyện quan tâm chỉ đạo, thành lập tổ công tác cấp huyện, cấp xã (đối với xã đăng ký thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu) để triển khai thực hiện mô hình tổ quản lý và vận hành “làng thông minh” để được hướng dẫn, tập huấn xây dựng, vận hành mô hình này của địa phương…
Với mục tiêu hướng tới chính quyền số, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, đã xây dựng trang tin điện tử cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Xã đã triển khai thành công gần 200 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực. Thạnh Phú cũng đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại cả bốn ấp giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số cũng như hướng dẫn cài đặt ứng dụng di động phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Hiện, hơn 95% hộ dân trong xã Thạnh Phú đã sử dụng điện thoại thông minh giúp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công, theo dõi tình hình thời tiết, giá nông sản và tham gia các hoạt động trực tuyến khác. Hệ thống camera giám sát an ninh tại các khu đông dân cư, chợ và tuyến đường chính cũng được triển khai để bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Xã Thạnh Phú cũng đã triển khai thành công mô hình “ấp thông minh” tại Ấp 2, nơi có tỷ lệ người dân tiếp cận công nghệ thông tin và thanh toán không dùng tiền mặt rất cao.
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh đã đạt 7/8 nội dung xây dựng nông thôn mới. Tất cả 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, hai huyện Tiểu Cần, Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tất cả 85 đơn vị cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Còn tại Đồng Tháp, đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 42,6% số xã nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 10,2% số xã nông thôn mới nâng cao đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu hết năm 2024, 8/12 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới.
Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ số trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã giúp Đồng Tháp, Trà Vinh và nhiều địa phương khác đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân và hướng tới một xã hội hiện đại, thông minh…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh-post852579.html