Việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ quản lý, lao động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này. Chính vì vậy, trong Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 6/8/2020 của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021 – 2025 có một nội dung quan trọng là phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Báo cáo viên hướng dẫn cách chuẩn bị cho phiên livestream tại hội nghị tập huấn nâng cao việc ứng dụng TMĐT năm 2024
Theo số liệu của ngành công thương, hiện toàn tỉnh có khoảng 164.000 người hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, trong đó có khoảng 60% tham gia vào hoạt động TMĐT. Từ năm 2021 đến nay, các ngành, đơn vị liên quan đã phối hợp, triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực TMĐT; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận với các kỹ năng số, ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh...
Đơn cử như hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức từ 8 đến 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực số, kỹ năng số (trong đó có việc sử dụng cửa hàng số, mua bán qua sàn TMĐT) cho các thành viên thuộc tổ công nghệ số cộng đồng tại 11 huyện, thành phố. Hay như Sở Công Thương – cơ quan nòng cốt tham mưu phát triển TMĐT của tỉnh, hằng năm phối hợp tổ chức từ 2 đến 3 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT cho khoảng 100 lượt cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về TMĐT và khoảng 200 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh...
Đến nay, Lạng Sơn có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, đứng thứ 2 toàn quốc; có 48.920 giao dịch thành công, đứng thứ 4 toàn quốc; có 228.099 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đạt 93%, đứng thứ 3 toàn quốc |
Bà Nguyễn Hồng Linh, Phó trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Để giúp đội ngũ quản lý, lao động trong lĩnh vực TMĐT có đủ kiến thức, kỹ năng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, phòng đã chủ động nghiên cứu, rà soát các nội dung mới, cần thiết phải bổ sung, cập nhật để tham mưu sở tổ chức các chương trình tập huấn kịp thời, phù hợp. Bên cạnh những kiến thức liên quan, các lớp tập huấn còn lồng ghép nội dung thực hành, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX thiết lập tài khoản kinh doanh trên các sàn TMĐT; hướng dẫn quy trình livestream trên các sàn TMĐT...
Đặc biệt, với đặc thù là tỉnh biên giới, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các giải pháp phát triển TMĐT xuyên biên giới. Cụ thể gần đây nhất, tháng 12/2024, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Phát triển TMĐT xuyên biên giới với sự tham gia của các chuyên gia và gần 200 người đại diện cho các doanh nghiệp, HTX... trên địa bàn tỉnh. Qua hội thảo đã giúp các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nắm bắt được quy định, chính sách và những giải pháp thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới... để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả.
Không chỉ triển khai các chương trình tập huấn, hội thảo, nhằm giúp các cơ sở kinh doanh tiếp cận, học hỏi và trải nghiệm thực tế để nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ, bán hàng trực tuyến, các đơn vị liên quan của tỉnh đã phối hợp tổ chức các buổi livestream bán hàng trên các sàn TMĐT tại một số sự kiện lớn của tỉnh để các doanh nghiệp, HTX... tham gia. Có thể kể đến như: livestream bán hàng trên TikTok Shop tại Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023; livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên TikTok Shop tại Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2024)...
Chị Vương Thị Thương, Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương (huyện Văn Lãng) cho biết: Vừa qua, được ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện, tôi đã tham gia buổi livestream bán hàng tại Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2024). Đây là cơ hội rất lớn để bản thân tôi và các thành viên trong HTX được trải nghiệm thực tế quy trình livestream từ việc chuẩn bị các thiết bị, giới thiệu sản phẩm đến cách giao tiếp với khách hàng. Tại phiên livestream, HTX đã bán được trên 40 sản phẩm, mang lại doanh thu hơn 6 triệu đồng. Sau phiên livestream này, tôi đã có kinh nghiệm và dự định tổ chức thêm các buổi bán hàng trên Facebook, TikTok...
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để khai thác tối đa tiềm năng của TMĐT, thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để phát triển TMĐT trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và hoạt động đúng quy định của pháp luật. Trong đó, sở tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT, từ cán bộ quản lý nhà nước đến các chủ doanh nghiệp, HTX và cá nhân sản xuất kinh doanh.
Với những giải pháp thiết thực, chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực TMĐT ngày càng được nâng lên, không chỉ về kiến thức mà còn là kỹ năng ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh. Minh chứng rõ ràng nhất là hiện nay, đa phần các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các hình thức giao dịch TMĐT ở các cấp độ khác nhau như: sử dụng hóa đơn điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng các website, mạng xã hội, sàn TMĐT để quảng bá và bán sản phẩm… Qua đó, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển TMĐT của tỉnh. Cụ thể đến nay, Lạng Sơn có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, đứng thứ 2 toàn quốc; có 48.920 giao dịch thành công, đứng thứ 4 toàn quốc; có 228.099 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đạt 93%, đứng thứ 3 toàn quốc.
Theo baolangson.vn