Khi qua những đoạn đường bị ngập hay nước sâu bạn nên quan sát kỹ, đi ở tốc độ thấp và cho xe đi kiểm tra... để tránh những hư hỏng không đáng có.
Những cơn mưa dông và ngập úng thường gây nên sự hỗn loạn, thậm chí là làm tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông nội đô. Ngay cả những tài xế có kinh nghiệm cũng phải lăn tăn khi vượt qua những cung đường ngập nước, đặc biệt là ở những khu vực không quen thuộc. Họ thường dừng xe lại và chờ đến lúc mưa ngớt hoặc nước rút rồi mới tiếp tục di chuyển.
Dưới đây là những kinh nghiệm cần thiết giúp tài xế có thể vượt qua những đoạn đường ngập một cách an toàn:
Nếu buộc phải đi qua đường ngập bạn phải cẩn thận và quan sát kỹ. |
1. Quan sát khu vực xung quanh và kiểm tra mực nước
Đây là điều tối quan trọng khi lái xe qua vùng ngập nước. Nếu có thể, hãy xuống xe và quan sát khu vực bạn chuẩn bị vượt qua, đồng thời tự hỏi bản thân bốn câu hỏi trước khi quyết định tiếp tục hành trình của mình: Độ sâu của mực nước là bao nhiêu? Có chướng ngại vật nào khác trên đường không? Có lối thoát phù hợp không? Liệu đang có một dòng nước chảy xiết không?
Các bánh xe có thể được tận dụng để kiểm tra mức an toàn của mực nước ngập. Độ sâu của nước không được vượt qua ốp chắn bùn ở bánh xe trước hoặc tâm của la-zăng.
Nếu có chướng ngại vật cản đường hoặc bạn không thể xác định lối thoát phù hợp, hãy dừng lại, bởi mực nước có thể dâng cao hơn khi bạn di chuyển sâu vào vùng ngập. Ngoài ra, hãy duy trì với một hướng đi duy nhất để tránh việc va chạm với lề đường.
2. Thiết lập chế độ lái phù hợp
Một số mẫu xe được trang bị Hệ thống dẫn động bốn bánh có thể dễ dàng kích hoạt. Đầu tiên, về số 0 (số N), sau đó sử dụng tính năng gài cầu điện tử Shift-on-the-fly để chuyển sang chế độ 2 cầu chậm (4L). Từ đó, hệ thống dẫn động bốn bánh sẽ được kích hoạt ở cấp số thấp, truyền năng lượng từ động cơ đến bốn bánh xe và hỗ trợ duy trì tốc độ thấp hơn trong dải công suất tối ưu.
Đi qua đường ngập không được tăng tốc đột ngột và lao đi nhanh. |
3. Chậm mà chắc
Lái xe trong vùng ngập nước không phải một cuộc đua. Hãy di chuyển qua dòng nước từ từ, đủ để hình thành một làn sóng nhỏ hình vòng cung phía trước mũi xe và cố gắng duy trì làn sóng đó, không để nước tràn qua mui xe. Nếu nước bắt đầu chảy qua nắp ca-pô, bạn đang đi quá nhanh.
Ngoài ra, nước có thể xâm nhập vào khoang xe nếu mực nước tại khu vực đó cao hơn hoặc gần chạm đến phần dưới cửa xe.
Hãy di chuyển chậm rãi và duy trì tốc độ khoảng 7km/h và giảm thiểu tối đa việc đạp phanh hoặc dừng xe giữa chừng. Một khi đã quyết định tiến vào vùng ngập nước, bạn phải tiếp tục cho đến khi hoàn toàn thoát khỏi dòng nước đó.
4. Không tăng tốc đột ngột
Khi lội nước, hãy chú ý đến tốc độ và rà nhẹ chân ga, tuyệt đối không tăng tốc đột ngột, kể cả khi thoát khỏi vùng ngập. Dù các tài xế thường có xu hướng lao nhanh qua vùng ngập nước, nhưng hành động này sẽ dẫn đến nguy cơ va chạm mạnh với các chướng ngại vật ẩn trong làn nước hoặc tạo ra các sự cố không mong muốn.
Sau khi đi qua đường ngập bạn nên cho xe vào gara để vệ sinh và kiểm tra. |
5. Kiểm tra phương tiện
Để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục hành trình, hãy thực hiện các bước kiểm tra đơn giản dưới đây để chắc chắn rằng những hệ thống quan trọng không bị ảnh hưởng bởi nước.
- Nhấn phanh nhẹ nhàng để đảm bảo phanh vẫn hoạt động, má phanh sau khi lội nước sẽ cần một khoảng thời gian để ráo nước.
- Kiểm tra còi xe.
- Kiểm tra đèn pha phía trước và đèn hậu.
- Kiểm tra hệ thống lái trợ lực.
Sau khi vượt qua những cung đường ngập thành công, hãy vệ sinh xe thật sạch và nên đến gara gần nhất để kiểm tra toàn diện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, sự an toàn của bạn là ưu tiên hàng đầu và chỉ lội nước trong những trường hợp thực sự cần thiết./.
Gia Linh/VOV.VN