CX-5, CR-V và Tucson - cuộc đua tam mã crossover tầm 1 tỷ

Chủ nhật, 17.01.2021 | 11:21:44
457 lượt xem

Tận dụng nguồn cung bất ổn của CR-V, CX-5 không còn nhiều lần giảm giá sâu, Tucson chen chân vào cuộc đua trước đây vốn chỉ dành cho xe Nhật.

Phân khúc sôi động thứ ba thị trường sau sedan cỡ B, hatchback cỡ A là CUV hạng C. Nếu Mazda CX-5 và Honda CR-V đua song mã những năm trước đây, Hyundai Tucson có bước thăng tiến trong 2020 để bám sát hai đối thủ Nhật.

Hồi 2019, lượng bán hàng của Tucson kém khoảng 5.000 xe so với vị trí dẫn đầu (CR-V). Đến 2020, mẫu xe Hàn (doanh số 10.872 xe) rút ngắn cách biệt xuống 1.000 xe. CX-5 (11.803 xe) lấy lại ngôi vương của CR-V (11.365 xe), một năm sau khi để đối thủ chiếm. Sức bán hàng của CX-5, CR-V và Tucson tách biệt phần còn lại. Ba sản phẩm này so kè nhau quyết liệt với khoảng cách sít sao.

Trong số các đối thủ, Honda CR-V là mẫu xe có nhiều biến động doanh số nhất. Từ trước tháng 6, khi thông tin CR-V chuyển sang hình thức lắp ráp xuất hiện cũng là lúc lượng xe nhập về đại lý bắt đầu giảm. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn cung từ nhà máy Thái Lan bị ảnh hưởng. Hãng và đại lý chủ động bán nốt số xe còn tồn để dọn đường cho bản mới với nhiều nâng cấp mới ra mắt. Đỉnh điểm trong tháng 7, Honda CR-V chỉ tiêu thụ 130 xe.

Honda CR-V trên đường thử tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng

Honda CR-V trên đường thử tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng

Bản lắp ráp của CR-V bổ sung gói công nghệ an toàn Honda Sensing, phom dáng thay đổi nhẹ ra mắt cuối tháng 7. Doanh số sau đó dần cải thiện và tăng dần về cuối năm. Tháng 12, mẫu xe Honda giao đến khách hàng với lượng kỷ lục 3.226 xe nhờ nguồn hàng sẵn hơn và một phần từ sự cộng hưởng của chính sách ưu đãi giảm 50% phí trước bạ từ Chính phủ. Con số này đưa CR-V kịp quay lại top đầu nhưng vẫn để mất ngôi vương doanh số vào đối thủ CX-5.

Mazda CX-5 tại nhà máy lắp ráp ở Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: Thaco

Mazda CX-5 tại nhà máy lắp ráp ở Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: Thaco

Mẫu xe của Mazda trong 2020 gần như không có nâng cấp nào đáng kể. Bản cải tiến ra mắt từ nửa cuối 2019 nhưng nhờ lắp ráp trong nước, nguồn cung sẵn có và một vài thời điểm được giảm giá để kích cầu do dịch bệnh, doanh số CX-5 ổn định, không tăng cao hoặc giảm sâu như CR-V.

Tucson gây bất ngờ lớn trong giai đoạn đầu 2020 khi có thời điểm vượt lên hai mẫu xe Nhật dẫn đầu phân khúc. Nhưng đến giai đoạn thứ hai, khi CX-5 và CR-V đều bức tốc, mẫu xe của Hyundai không còn giữ được ưu thế.

Tucson tại một đại lý Hyundai ở TPHCM. Ảnh: Thành Nhạn

Tucson tại một đại lý Hyundai ở TPHCM. Ảnh: Thành Nhạn

Hyundai Tucson tương tự mẫu xe của Mazda, cũng không nâng cấp sản phẩm trong 2020. Lợi thế giá rẻ hơn hai đối thủ Nhật giúp Tucson duy trì được sức hút khi CX-5 và CR-V bất ổn về nguồn cung. Tuy nhiên, với việc CR-V có gói công nghệ an toàn Honda Sensing, trước đó là CX-5 với gói i-Activesense, Hyundai Tucson cần có thêm nhiều thay đổi để tiếp tục cuộc đua ở phân khúc này. Thế hệ mới của Tucson có thể được TC Motor trình làng trong 2020 để duy trì sức cạnh tranh.

Ở nhóm còn lại, Nissan X-Trail ở 2020 gần như "mất tích" vì nguồn cung gián đoạn trong giai đoạn chuyển đổi nhà phân phối. Trong khi đó MG HS mới gia nhập thị trường, Mitsubishi Outlander ra bản nâng cấp nhưng chưa mang lại nhiều đột biến doanh số. Subaru Forester có sức bán hàng tốt hơn 2019, dẫu vậy giá cao và phom dáng chưa hợp gu khách hàng số đông vẫn là những trở ngại để mẫu xe nhập Thái Lan đột phá trên thị trường.


Phạm Trung/vnexpress.net

https://vnexpress.net/cx-5-cr-v-va-tucson-cuoc-dua-tam-ma-crossover-tam-1-ty-4221640.html

  • Từ khóa