Ngoài các hãng xe truyền thống nhiều hãng công nghệ như Apple, Xiaomi sẽ tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Nhiều hãng xe lớn của Châu Âu và Mỹ như Volkswagen, GM hay Honda đều cam kết sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm xe điện và định hướng sẽ trở thành một hãng xe điện. Mục tiêu thay đổi không phải là những con số xa vời khi điều đó diễn ra trong 5-10 năm tới.
Nhiều hãng xe mới thành lập, nhưng có định hướng sẽ phát triển xe điện như Lucid sẽ tham gia chuỗi cung ứng này với tư cách là một nhà sản xuất hoặc một đơn vị cung cấp dịch vụ cho ngành xe điện. GM hay Volkswagen chỉ là một ví dụ nhỏ trong chuỗi chuyển đổi cách thức sản xuất xe, truyền thống sang xe điện.
Các mẫu xe điện cũng sẽ được cung cấp nhiều công nghệ về chất bán dẫn, chip, điện tử, công nghệ thực tế ảo và công nghệ tự hành. Xe điện thông minh sẽ là xu thế trên toàn thế giới trong tương lai không xa.
Mẫu xe điện mới của Hyundai. Ảnh: Hyundai
Vì sao các hãng công nghệ muốn làm xe điện?
Lý do đầu tiên, thị trường này còn rất rộng. Nếu chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, theo các chính sách ưu đãi, doanh số bán ôtô điện mới dự kiến đạt 20% tổng doanh số bán xe vào năm 2025. Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng 1,8% cho xe điện mới bán ra trong năm 2020.
Điều này cho thấy ngay cả khi doanh số bán ôtô tổng thể không tăng, thị trường ôtô điện vẫn sẽ vượt quá 5 triệu chiếc vào năm 2025, gấp khoảng 5 lần số bán hiện tại.
Vào năm 2030, Trung Quốc sẽ đạt đỉnh về xả thải carbon và kì vọng vào năm 2060 sẽ trung hòa được mức khí thải này về mức cho phép. Vì thế các chính sách mở đường cho ôtô điện mới sẽ trở thành xu hướng trong vài năm tới ở đất nước 1 tỷ dân này.
Chuyển sang mảng kinh doanh sản phẩm khác cũng là điều bắt buộc với các hãng công nghệ, khi mà smartphone đang trở nên bão hòa. Với sự phát triển của công nghệ, rất khó để smartphone có những bước tạo đột phá. Và nhu cầu thay thế của người dùng không còn mạnh mẽ. Điện thoại thông minh đã chuyển đổi từ kỷ nguyên gia tăng sang kỷ nguyên tồn kho và thị trường gần bão hòa.
Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu dữ liệu thế giới (IDC), trong quý 3 năm 2020, lượng xuất xưởng trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, mức giảm hàng năm trong quý 1 năm 2020 là 11,7%, mức giảm so với cùng kỳ năm trước trong quý 2 năm 2020 là 16%. Đây là hiệu suất tồi tệ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện thoại thông minh.
Hãng xe điện Lucid mới sẽ tham gia vào thị trường tiềm năng này. Ảnh: Lucid
Nếu sự ảm đạm của thị trường điện thoại thông minh vào năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì nhìn vào toàn bộ năm 2019, lượng điện thoại thông minh toàn cầu xuất xưởng là 1,371 tỷ chiếc, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước đó, đây là năm thứ ba liên tiếp điện thoại thông minh toàn cầu tồn kho.
Vì thế việc chuyển đổi sẽ là điều cần thiết và sự liên quan giữa ôtô và điện tử sẽ làm tiền đề và tạo đà cho các công ty công nghệ tiếp cận thị trường này. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới đều đang đẩy mạnh phát triển ôtô điện, và quy mô thị trường cũng sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Nhiều quốc gia và khu vực cũng bắt đầu hạn chế xe bán mới dùng nhiên liệu hóa thạch bắt đầu vào 2025.
Hơn nữa, ôtô đã bắt đầu chuyển đổi từ phương tiện giao thông truyền thống sang thiết bị thông minh như xe tự lái hay robot taxi. Chúng đã trở thành điều không thể thiếu cho sự đổ bộ của các công nghệ mới nổi như Big Data, điện toán đám mây, 5G hay AI.
Dựa trên việc nhận ra tiềm năng của việc xe hơi dùng công nghệ, tổng giá trị thị trường của Tesla đã tăng lên hơn 800 tỷ USD, gần gấp 4 lần so với Toyota (khoảng 210 tỷ USD), vốn từ lâu đã thống trị vị trí số một về giá trị kinh doanh trong các công ty ôtô toàn cầu.
Ngay cả Baidu, sau khi công bố sẽ trở thành một nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất xe điện, giá cổ phiếu đã tăng 10,82 tỷ USD chỉ sau một đêm.
Dù ở góc độ nào, thị trường xe thông minh có vô số cơ hội, điều này đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư mới. Trong số đó, đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh, ôtô thông minh rất có thể là một điểm nhấn trong tăng trưởng kinh doanh sau điện thoại thông minh.
Ngoài ra, ôtô điện sẽ là phương tiện thông minh trong tương lai, ôtô thông minh có ý nghĩa sâu sắc hơn đối với các nhà sản xuất ôtô truyền thống và cả đối với nhà sản xuất công nghệ. Quan trọng hơn, kỷ nguyên công nghệ di động đã gặp phải một nút thắt cổ chai. Vì vậy, những chiếc xe thông minh có thể trở thành cổng giao thông cho kỷ nguyên tiếp theo.
Lợi thế của các hãng công nghệ
Ngoài nhiên liệu sạch, công nghệ trên xe bao gồm tự hành, trợ lý ảo và kết nối đa phương tiện cũng sẽ là các yếu tố không thể thiếu. Vì thế các công ty công nghệ sẽ có lợi thế to lớn nếu bước vào thị trường tiềm năng này.
Không gian nội thất một mẫu xe điện. Ảnh: Hyundai
Hệ sinh thái "Internet of Everything" được xây dựng với trợ lý giọng nói thông minh làm cốt lõi là lợi thế lớn nhất và là điểm tốt để Xiaomi hay Apple và hãng công nghệ gia nhập ngành công nghiệp ôtô.
Chủ tịch Hyundai Motor Euisun Chung, người nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, cũng cho biết công ty sẽ tích cực thúc đẩy các mảng kinh doanh mới, tập trung vào xe điện, xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro và các nền tảng di động trong tương lai. Vì thế, pin và các công nghệ chất bán dẫn sẽ là yếu tố lợi thế của các công ty công nghệ.
Trong tương lai, động cơ và khung gầm truyền thống sẽ không còn là yếu tố giá trị hàng đầu. Thay vào đó, công nghệ điện toán, kết nối và phần mềm tự hành sẽ chiếm 70% giá trị xe.
Lei Jun, nhà sáng lập của Xiaomi phát biểu: "Công nghệ thông minh là một phần quan trọng của phương tiện giao thông và ôtô cũng là thiết bị thông minh quan trọng nhất trong cuộc sống của con người trong tương lai".
Các công ty trong chuỗi sinh thái và công ty xe hơi của Xiaomi cùng chế tạo những chiếc xe thông minh. Thông qua Xiao Ai, Xiami đã tạo ra các phần mềm hỗ trợ xe như: hệ thống tương tác giữa người và máy tính trên xe Mercedes MBUX, mô hình Weimar EX5 và mô hình tùy chỉnh trên FAW Pentium T77 Mifen có thể thực hiện việc điều khiển xe thông minh. Điện thoại thông minh Xiaomi có thể đóng vai trò chìa khóa ôtô Xiaopeng và BYD. Xiaomi Mi Watch cũng hỗ trợ điều khiển các hệ thống điều khiển xe.
Các hãng công nghệ sẽ sản xuất xe thế nào?
Nhìn vào toàn bộ ngành, có thể chia sản xuất ôtô thành ba mô hình chính: sản xuất độc lập, hợp tác sản xuất qua các nhà cung cấp như Magna và hợp tác chuyên sâu với các hãng xe truyền thống.
Không giống như các sản phẩm điện tử tiêu dùng, chuỗi công nghiệp ôtô rất phức tạp và nhiều công đoạn. Ngoài ra, nó có yêu cầu cực kỳ cao về độ an toàn và độ tin cậy. Đồng thời, việc chế tạo một chiếc xe hơi độc lập đòi hỏi đầu tư lớn. Do đó, dựa trên sự hợp tác sâu rộng, cả công ty công nghệ và công ty xe hơi truyền thống đều có thể phát huy lợi thế của riêng mình.
Nếu Huawei chỉ sản xuất các loại chip khác nhau và phát triển phần mềm lái xe tự động, thì Xiaomi và Apple đang tích cực làm việc trong các dự án làm xe riêng của họ. Sớm nhất là Apple, với nhiều cuộc đàm phán mới đây, có thể là hãng công nghệ sẽ sản xuất ôtô sớm trong tương lai gần. Hiện những cái tên đang được đồn đoán sẽ sản xuất xe cho Apple gồm Kia, Nissan, Magna, Foxconn.
Dây chuyền sản xuất xe điện của Mercedes. Ảnh: Mercedes
Nhưng công ty mẹ của iPhone không phải là nhà sản xuất duy nhất tham gia vào việc này. Nhiều mô hình liên kết giữa hãng công nghệ và hãng xe đã được xác nhận bởi các ông lớn như: Baidu - Geely, Ali - SAIC (Zhiji Auto), Huawei - Changan - CATL.
Xiaomi đã bắt đầu mở các kênh bán lẻ ôtô mới và triển khai các cửa hàng ngoại tuyến. Vào tháng 5/2020, Xiaomi và Changan Mazda đã công bố hợp tác chiến lược để giúp Changan Mazda về doanh số bán xe hơi. Sau đó, nền tảng thương mại điện tử Xiaomi Youpin đã bổ sung danh mục bán hàng tự động, đây là một thành phần quan trọng trong chiến lược bán lẻ mới của Xiaomi.
Với các chính sách dành cho xe điện và xu hướng sử dụng xe điện trong tương lai, không chỉ các hãng xe truyền thống hay các hãng công nghệ sẽ còn nhiều công ty, tập đoàn lớn có thể tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Đoàn Dũng/vnexpress.net
https://vnexpress.net/loi-the-cua-cac-hang-cong-nghe-khi-lam-xe-dien-4240550.html