Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: Vì sao các nhà hoạt động môi trường lại ủng hộ sự phát triển của xe điện, khi việc sản xuất điện và các tấm pin thải có thể cũng gây ra ô nhiễm?
Câu trả lời quá rõ ràng: xe điện giúp giảm thiểu đáng kể lượng phát thải khí nhà kính và việc tái chế pin đang trên đường trở thành ngành công nghiệp tỷ USD.
Năng lượng cung cấp cho xe điện ngày càng sạch
Báo cáo Tình hình Năng lượng tái tạo Toàn cầu năm 2020 (GSR) của REN21 (Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo toàn cầu đa phương) cho thấy, trong vòng 5 năm qua, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đạt tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần so với điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân.
"Khi lưới điện trở nên 'xanh' hơn, việc sử dụng xe điện sẽ hoàn hảo hơn", Gordon Bauer - nhà nghiên cứu xe điện tại Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch ở San Francisco (Mỹ) nhận định. Cũng theo chuyên gia Gordon Bauer, mô hình lưới điện cải tiến hiện nay sẽ giúp nâng cao hiệu quả môi trường của phương tiện chạy điện trên toàn thế giới.
Bằng chứng là nghiên cứu của các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley ở California (Mỹ) cho biết nếu tất cả các phương tiện cá nhân ở Mỹ đều chạy bằng điện thì mỗi năm, nước này sẽ giảm được 46% lượng khí nhà kính (tương đương 0,5 gigatons CO2) so với ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch thông thường.
Đây là điều được các nhà hoạt động vì môi trường kỳ vọng. Bà Anne Laurent, chủ tịch Liên minh Môi trường toàn châu Âu, thừa nhận các thành viên đều "không còn nghi ngờ gì" về tác động tích cực của loại phương tiện giao thông này lên hành tinh.
"Chúng ta không mong chờ một giải pháp hoàn hảo. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng khi xe điện mang lại những chỉ số tích cực về môi trường", bà Laurent bày tỏ trong báo cáo được đưa ra cuối năm 2020.
Tại Việt Nam, phương tiện xanh cũng đang manh nha phát triển với sự ra mắt của xe ô tô cá nhân và xe bus điện VinFast. Và nhìn vào "Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - với mục tiêu là nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp sẽ đạt 15 - 20% vào năm 2030 và tăng lên 25 - 30% vào năm 2045 chúng ta có quyền hy vọng sẽ có "tương lai xanh, không khí sạch" khi xe sạch được tiếp năng lượng từ nguồn điện sạch.
Pin xe điện quá đắt để hóa… rác
Ngoài việc sản xuất điện, các nhà hoạt động vì môi trường từng quan ngại về số phận của các khối pin xe điện sau khi hết "đát". Elon Musk từng là "nạn nhân" của làn sóng phản đối này. Nhưng thực tế, pin xe ô tô điện không thể bị vứt đi vì… quá đắt, kể cả khi đã hết hạn sử dụng.
Lý do là giá của coban, lithium, niken và các kim loại được sử dụng trong pin lithium-ion đã tăng vọt khi cuộc đua xe điện diễn ra ngày càng gay cấn giữa các nhà sản xuất khắp từ Á sang Âu và Mỹ. Vì thế, tất cả các hãng xe điện đều nghiên cứu và công bố giải pháp xử lý pin hết hạn bằng công nghệ tái chế pin.
"Để đáp ứng nhu cầu pin xe điện trong 10 năm tới, ngành công nghiệp sẽ cần 1,5 triệu tấn lithium, 1,5 triệu tấn than chì, 1 triệu tấn niken và 500.000 tấn mangan. Ngày nay, thế giới sản xuất được ít hơn một phần ba số vật liệu đó", Sam Jaffe, Giám đốc điều hành của Cairn ERA, một công ty tư vấn năng lượng tại Mỹ, nói với CNBC.
Một số nghiên cứu cho thấy việc tái chế có thể phục hồi từ 95 - 98% niken, coban, đồng, nhôm và hơn 80% lithium của pin. Bà Celina Mikolajczak, Phó Chủ tịch Kỹ thuật và Công nghệ pin của Panasonic Energy Bắc Mỹ, nhận định, công nghiệp tái chế pin sẽ là mảnh đất tỷ đô cùng với sự phát triển của xe điện.
"Có rất nhiều lợi ích từ việc tái chế và sẽ thực sự ngu ngốc nếu chúng ta không tận dụng khả năng của các tế bào pin cũ để tạo ra thế hệ tiếp theo", bà Celina Mikolajczak khẳng định.
Giải pháp tuyệt vời này không chỉ xóa bỏ nỗi lo cạn nguồn nguyên liệu sản xuất, mà còn loại bỏ pin xe điện thành gánh nặng của môi trường.
Hiện đã có hơn 50 công ty trên khắp thế giới tham gia tái chế pin lithium-ion với quy mô khác nhau, hầu hết tập trung ở Trung Quốc (hơn 20 công ty), kế đến là Hàn Quốc (6 công ty), tiếp theo là EU, Nhật Bản, Canada và Mỹ. Thậm chí, gã khổng lồ công nghệ toàn cầu là Amazon cũng không bỏ qua tiềm năng này khi đầu tư 2 tỷ USD vào Redwood Materials, một công ty khởi nghiệp tái chế pin do cựu giám đốc Tesla - JB Straubel thành lập. Redwood Materials cũng là đơn vị chịu trách nhiệm tái chế pin xe điện cho Tesla.
Ngoài tái chế pin để sử dụng lại cho chính xe điện, hàng loạt dự án tận dụng pin cũ đã được các hãng xe triển khai trong thời gian gần đây. Toyota có dự án kết nối những cục pin xe điện cũ với các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho các cửa hàng 7-Eleven ở Nhật Bản; Nissan đang sử dụng pin cũ để cung cấp năng lượng cho các robot nhỏ; Renault đang cùng các đối tác đưa ra hệ thống lưu trữ năng lượng tĩnh được làm bằng pin xe điện cũ… Các hãng xe khác như Audi, BMW, Lucid Motors hay Proterra… cũng đang kết hợp các nguyên tắc tái sử dụng vào thiết kế pin.
"Chúng tôi tin rằng pin 'đời sống thứ 2' sẽ trở thành lĩnh vực kinh doanh độc lập chứ không thể bị thải bỏ để biến thành rác", Weiland Bruch, phát ngôn viên của BMW dự báo.
Khi mối lo ngại cuối cùng là pin xe điện thành rác hại môi trường đã hoàn toàn bị loại bỏ - dễ hiểu vì sao xe ô tô xanh được các nhà hoạt động vì môi trường khắp thế giới ủng hộ. Và đó cũng sẽ là tương lai xanh mà chúng ta cần hướng tới để thoát khỏi "tai tiếng" đất nước của những "nhà máy khí thải hai bánh" mà báo chỉ quốc tế đặt cho Việt Nam.