Với công nghệ và các quy chuẩn khắt khe, khả năng xe điện đạt tiêu chuẩn gặp rủi ro tự phát sinh hỏa hoạn là "gần như không có", PGS-TS Đàm Hoàng Phúc nhận định.
Sau vụ cháy lớn xảy ra tại một chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, mặc dù chưa có kết luận nguyên nhân chính thức từ cơ quan chức năng, một số tòa nhà hay địa phương đã ra yêu cầu không sạc xe điện tại các hầm chung cư, thậm chí là yêu cầu người thuê nhà không dùng xe điện.
Việc cấm sử dụng xe điện vì lo lắng hỏa hoạn liệu có đúng dưới góc độ khoa học, kỹ thuật? Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), để làm rõ vấn đề này.
Hạn chế xe điện vì lo hỏa hoạn: Cực đoan và sai lầm về mặt khoa học
Ở góc độ chuyên môn, quan điểm của ông như thế nào về việc nhiều chung cư và một số địa phương ra quy định cấm sạc xe điện, thậm chí là cấm dùng xe điện vì lo ngại hỏa hoạn?
- Tôi cho rằng đó hoàn toàn là cách nhìn sai lầm và có phần quy chụp. Về bản chất, rủi ro cháy nổ có thể xảy ra ở bất kì phương tiện nào. Đó là lí do để chúng ta có tiêu chuẩn với từng sản phẩm cũng như yêu cầu người dùng phải tuân thủ đúng quy định khi sử dụng để phòng ngừa rủi ro.
Nếu so sánh, thực tế, vật liệu dễ cháy nhất là xăng. Chỉ một tàn thuốc, lửa cũng có thể bùng lên với xăng. Trong khi ấy, với xe điện, sự cố hỏa hoạn không dễ xảy ra với quy chuẩn bảo vệ nhiều lớp trong sản xuất.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) (Ảnh: HUST).
Cụ thể thì với xe máy điện, tiêu chuẩn lưu hành hiện tại của Việt Nam ra sao, thưa ông, đặc biệt là về khả năng bảo đảm an toàn với ắc quy hay pin?
- Thực tế thì từ năm 2015, chúng ta đã có quy chuẩn kĩ thuật quốc gia QCVN91:15/BGTVT cho ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện. Quy chuẩn này quy định các bài test đặc tính an toàn bắt buộc các nhà sản xuất phải vượt qua trước khi đưa ra thị trường: Nạp điện quá mức, phóng điện quá mức, Khả năng chịu ngắn mạch, Khả năng chịu rung động.
Các điều kiện thử nghiệm này đều "khốc liệt" hơn so với điều kiện hoạt động bình thường. Ngoài việc bắt buộc phải tuân theo quy chuẩn trên, theo tôi biết, một số đơn vị sản xuất còn trang bị thêm nhiều tính năng an toàn như tự ngắt điện khi nhiệt độ tăng cao…
Nếu đáp ứng đầy đủ những quy chuẩn này thì xe máy điện rất khó xảy ra sự cố cháy, nổ. Bởi thế, tôi nhấn mạnh lại quan điểm, không thể quy chụp một cách cảm tính về nguy cơ cháy nổ của xe điện bởi như thế là hoàn toàn sai lầm về mặt khoa học.
Loạt bài kiểm tra "khốc liệt" đảm bảo an toàn cháy nổ cho xe điện
Ngoài xe máy điện thì ô tô điện cũng đang "vạ lây" khi một số người chưa rõ về quy chuẩn đảm bảo an toàn với phương tiện này và lo ngại nguy cơ cháy nổ. Điều này có cơ sở không, thưa ông?
- Ô tô thậm chí còn những bài test (kiểm tra) khắt khe hơn so với xe máy. Tại Việt Nam, chúng ta có đầy đủ quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về kết cấu an toàn của xe cơ giới với những quy định chặt chẽ như thử nghiệm chống cháy cho bình chứa nhiên liệu bằng cách đốt lửa trong 2 phút; thử nghiệm chịu nhiệt độ 95 độ C trong 1 tiếng, thử nghiệm va chạm với con lắc nặng 15kg đầu nhọn…
Quá trình sản xuất, đóng pack pin cho ô tô điện (Ảnh: VF).
Riêng với hệ thống pin, tiêu chuẩn được nhiều hãng xe áp dụng là tiêu chuẩn ECE R100 dành cho ô tô điện áp dụng tại châu Âu. Đây là bộ tiêu chuẩn gồm những bài test khốc liệt bậc nhất để đảm bảo an toàn tối đa với hệ thống pin của xe điện.
Lấy ví dụ một số bài kiểm thử như thử nghiệm sốc nhiệt khi pin bị "hành" trong 6 giờ ở nhiệt độ -60C, sau đó là 6 giờ ở +60C và lần lượt, tổng cộng 5 chu kì liên tiếp như vậy. Hay, pin phải thử khả năng chống cháy qua 4 giai đoạn, từ đốt nóng bên ngoài tới tiếp xúc trực tiếp với lửa. Ngoài ra còn rất nhiều bài test khó khác như: kiểm tra rung động, sốc cơ học, bảo vệ quá nhiệt, bảo vệ nạp, xả quá mức…
Thực tế, những tiêu chuẩn khốc liệt như ông nói có áp dụng với các phương tiện đang lưu hành ở Việt Nam không và làm sao để đảm bảo?
- Theo tôi biết, những quy định trên hoàn toàn không xa lạ mà đang được không ít hãng sử dụng, ngay cả tại Việt Nam. Trong thời đại toàn cầu hiện nay, các hãng buộc phải hướng tới quy chuẩn cao ngay từ đầu để đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Thậm chí, tại Việt Nam, để đảm bảo an toàn cho hệ thống pin, có hãng xe như tôi nắm được còn tỉ mỉ tới mức kiểm soát chặt từng chiếc bu-lông, ốc vít, ví dụ như 100% các vít bắt trên pack pin đều phải được siết, kiểm tra bằng một loại cờ lê cân lực kĩ thuật số. Toàn bộ các thông tin như lực siết, góc siết, thời gian, người làm đều được gửi về trung tâm và lưu trữ trên đám mây…
Với tiêu chuẩn cao như vậy, như tôi đã nói, thực tế, khả năng tự phát sinh cháy nổ với xe điện đạt tiêu chuẩn là rất khó xảy ra, trừ một số trường hợp tai nạn hi hữu.
Ông có khuyến nghị gì giúp người dùng an tâm sử dụng xe điện trong thời gian tới?
- Với người dùng, vấn đề đầu tiên là nên lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn, từ những thương hiệu uy tín. Trong quá trình sử dụng, mọi người phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất, không tự ý thay đổi kết cấu, đặc biệt là với hệ thống pin/ắc quy và hệ thống nạp.
Điều quan trọng hơn tôi muốn lưu ý là khâu quản lý. Chúng ta phải hạn chế được các sản phẩm trôi nổi, giám sát chặt các quy chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như sự công bằng cho người dùng. Đây là thời điểm các đơn vị quản lý cần vào cuộc mạnh mẽ, không để các quy định cấm không đúng bản chất, gây hiểu lầm và hoang mang tới người dùng.
Xin cảm ơn ông!
Theo dantri.com.vn