Sau khi bản nâng cấp của Mazda CX-5 được chốt mức giá có thể xem là "phá đảo" thị trường, nhiều sản phẩm cùng phân khúc C-SUV bắt buộc phải gia nhập xu thế để cạnh tranh.
Do suy thoái kinh tế, sức tiêu thụ của người dùng giảm mạnh khiến các hãng xe và đại lý liên tục tung ưu đãi để kích cầu. Năm nay, chuyện các dòng xe nhận khuyến mại tới cả trăm triệu đồng không cá biệt, nhưng cuộc đua giảm giá ở phân khúc C-SUV vẫn khiến không ít người thấy bất ngờ.
Xu thế này khởi nguồn từ Mazda CX-5. Đầu tháng 7, mẫu xe Nhật đón bản nâng cấp giữa vòng đời, bổ sung một số trang bị nhưng giá bán lẻ đề xuất lại giảm tới 90 triệu đồng so với đời cũ. Giá mới của CX-5 khởi điểm từ 749 triệu đồng, rẻ ngang SUV hạng B như Hyundai Creta (cao nhất 740 triệu đồng).
Sang tháng 11, một số phiên bản tầm trung của Mazda CX-5 tăng giá 5 triệu đồng, vẫn giữ mức giá dao động trong khoảng 749-999 triệu đồng (Ảnh: Thaco).
Mazda CX-5 vốn có sức tiêu thụ dẫn đầu phân khúc C-SUV. Sau khi giảm giá, thị phần của mẫu xe này tiếp tục mở rộng, tạo áp lực không nhỏ cho các đối thủ.
Giảm giá mạnh thành trào lưu
Sau Mazda CX-5, Thaco điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất của Kia Sportage vào đầu tháng 9, giảm 60-90 triệu đồng tùy phiên bản. Nhờ vậy, giá bán của mẫu xe này khởi điểm từ 799 triệu đồng và cao nhất 1,019 tỷ đồng.
Giới chuyên gia nhận định, THACO không giảm giá sâu cho Kia Sportage vì muốn Mazda CX-5 vẫn là chủ lực doanh số (Ảnh: Thaco).
Việc Mazda CX-5 và Kia Sportage giảm giá tạo thành trào lưu ở phân khúc SUV cỡ C. Đến tháng 10, TC Motor bất ngờ điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất của Hyundai Tucson, giảm 76-191 triệu đồng tùy phiên bản, hạ xuống 769-899 triệu đồng, qua đó đủ sức cạnh tranh cùng CX-5.
Sau khi giảm giá niêm yết, Hyundai Tucson vẫn có ưu đãi tại đại lý, một số nơi sẵn sàng tặng 50% lệ phí trước bạ (Ảnh: Thế Anh).
Các mẫu xe còn lại trong phân khúc tuy không được nhà phân phối giảm giá niêm yết như CX-5, Sportage hay Tucson nhưng liên tục có ưu đãi mạnh để kích cầu. Ghi nhận trong tháng 11, Subaru Forester được áp dụng mức giảm 220-280 triệu đồng, đưa giá bán thực tế hạ còn 749-969 triệu đồng.
Dù có giá ưu đãi ngang CX-5 nhưng Subaru Forester không được giảm 50% lệ phí trước bạ do nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan (Ảnh: Subaru).
Haval H6 HEV ở tháng 11 tiếp tục được giảm tới 244 triệu đồng tại đại lý, hạ giá còn 852 triệu đồng và tặng kèm thẻ dịch vụ trị giá 50 triệu đồng. Đây là mẫu xe đầu tiên ở phân khúc C-SUV có bản hybrid, ra mắt Việt Nam vào tháng 8 nhưng khó thu hút khách hàng do yếu tố thương hiệu mới và giá bán cao.
Tương tự, MG RX5 mới ra mắt khách Việt vào tháng 9 cũng nhanh chóng gia nhập xu thế, giảm giá tới 90 triệu đồng ở một số đại lý. Sau khi giảm, giá bán thực tế của RX5 cao nhất chỉ tới 739 triệu đồng tại đại lý, thấp hơn cả giá khởi điểm của CX-5.
Haval H6 HEV và MG RX5 đều đến từ thương hiệu Trung Quốc (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Ford Territory được nhà phân phối tặng 100% lệ phí trước bạ trong tháng 11, áp dụng cho cả 3 phiên bản. Ưu đãi này tương đương với mức giảm 98-114 triệu đồng tùy địa phương đăng ký (lệ phí trước bạ 10-12% tùy nơi), đưa giá bán thực tế hạ còn 725-840 triệu đồng.
Cuối cùng, Peugeot 3008 đang có khuyến mại giảm giá 129-139 triệu đồng tại đại lý, nhưng dành cho các xe được sản xuất trong năm 2022 (VIN 2022). Sau khi giảm, giá bán của mẫu xe này dao động trong khoảng 810-910 triệu đồng.
Ford Territory là mẫu xe bán chạy nhì phân khúc C-SUV nên không được áp dụng ưu đãi lớn như các mẫu xe kể trên (Ảnh: Trần Quang Thành).
Thước đo mới cho làng xe Việt
Dù nhiều đối thủ gia nhập vào trào lưu giảm giá khiến CX-5 không còn lợi thế quá lớn, thế nhưng chủ lực nhà Mazda vẫn nhận được sự ưu ái của đông đảo người dùng. Nguyên nhân là nhờ yếu tố thương hiệu Nhật, đồng thời có đa dạng phiên bản và mức giá phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Thậm chí, CX-5 thường được người dùng cân nhắc đặt lên bàn cân về giá với sản phẩm khác phân khúc. Đơn cử như Toyota Yaris Cross được ra mắt Việt Nam vào giữa tháng 9, phân phối với 2 phiên bản cùng giá bán 730-838 triệu đồng.
Toyota Yaris Cross đang là mẫu xe duy nhất trong phân khúc B-SUV có phiên bản hybrid (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Với mức khởi điểm 730 triệu đồng của Toyota Yaris Cross, một bộ phận khách hàng cho rằng có thể cố thêm 19 triệu đồng để lấy bản tiêu chuẩn của CX-5. Không chỉ có nội thất rộng rãi hơn Yaris Cross, CX-5 còn được giảm 50% lệ phí trước bạ nhờ lắp ráp trong nước.
Anh Long, một người dùng đến từ Hà Nội chia sẻ: "Lúc đầu nhà mình nhắm mua SUV hạng B nhưng thấy giá CX-5 tốt quá nên đổi hướng. Biến thể hybrid của Yaris Cross cũng khá hấp dẫn nhưng tầm tiền đó cũng mua được bản 2.0L Premium của CX-5 rồi, lại được xe phân khúc trên".
Nội thất của Mazda CX-5 2023 tuy không có nhiều thay đổi so với bản cũ nhưng vẫn được khách Việt đánh giá cao (Ảnh: DL).
Trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ cùng phân khúc và Mazda CX-5, Toyota Yaris Cross nhanh chóng có khuyến mại tại đại lý. Trong tháng 11, một số tư vấn chào khách mua xe với mức giảm 80-100 triệu đồng cho 2 phiên bản, lần lượt hạ còn 650 triệu đồng cho bản xăng và 738 triệu đồng ở bản hybrid.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 10, lũy kế doanh số của Mazda CX-5 đạt 13.031 xe, đã vượt qua Hyundai Accent (13.014 chiếc) và chỉ thua Mitsubishi Xpander (15.464 xe). Nếu duy trì được sự bứt phá ở 2 tháng cuối năm, CX-5 có cơ hội trở thành sản phẩm bán chạy nhất Việt Nam năm 2023.
Ngôi "vua doanh số" vẫn chưa định đoạt nhưng hiện tại, sẽ không quá lời khi gọi Mazda CX-5 là "ông hoàng doanh số" khi liên tiếp 3 tháng 8, 9, 10 (tháng 7 bắt đầu giảm giá) đều giữ vị trí xe bán chạy nhất tại Việt Nam.
Theo dantri.com.vn