Chi phí đắt đỏ có thể khiến công nhân ô tô Mỹ dần bị thay bằng người máy

Thứ 3, 23.01.2024 | 09:16:29
518 lượt xem

Ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ phải cắt giảm ngân sách và việc sử dụng người máy thay thế công nhân có thể là một giải pháp.

Henry Ford đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất ô tô khi giới thiệu quy trình sản xuất dây chuyền, nhưng quy trình đó vẫn hoàn toàn dựa vào con người.

Nhiều thập kỷ nay, con người và máy móc cùng chia sẻ công việc trong toàn ngành, nhưng giờ đây, các nhà sản xuất ô tô có thể sẽ thay đổi mô hình, giảm bớt sự phụ thuộc vào con người.

Chi phí đắt đỏ có thể khiến công nhân ô tô Mỹ dần bị thay bằng người máy - 1

Khoa học hiện đại khiến người máy ngày càng đảm đương được nhiều công việc thay thế con người (Ảnh minh họa: Tesla).

Công nghệ tiên tiến sẽ khiến nhiều lao động có thể được thay thế bằng máy móc, nhưng thực tế là không chỉ những tiến bộ công nghệ mới khiến các nhà sản xuất ô tô đi theo con đường đó.

Còn có một động lực khác trong ngành ô tô Mỹ; đó là "cuộc chiến" với nghiệp đoàn ô tô (UAW). Gần đây, tổ chức đại diện cho người lao động trong ngành ô tô Mỹ đã đạt được thỏa thuận tăng lương và điều kiện làm việc mà không nhận ra rằng họ có thể đang tự hất đổ chén cơm của mình.

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) cho biết, chi phí nhân công tăng cao có thể sẽ đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ tự động trong các nhà máy ô tô.

Chi phí đàm phán lại với hợp đồng lao động đẩy tiền lương lên cao bất ngờ, sẽ khiến chi phí sản xuất một chiếc xe Ford mới tăng thêm 900 USD và một chiếc Chevrolet tăng thêm 500 USD trong 4 năm tới (thời hạn hợp đồng).

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Robot quốc tế, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã lắp đặt 136.000 robot công nghiệp mới trong năm 2022, chỉ thấp hơn của ngành công nghiệp điện tử. 

Đó là tin xấu đối với các thành viên UAW, mặc dù công nhân tại các nhà máy ô tô không bị sa thải ngay.

Một yếu tố khác có thể thúc đẩy ngành công nghiệp này tiến tới mức tự động hóa cao hơn là chúng ta đang ở giữa thời kỳ bùng nổ xây dựng nhà máy, khi các hãng xe tìm cách tạo ra các nhà máy pin và xe điện mới.

Việc lắp đặt robot tại các cơ sở sản xuất mới sẽ đơn giản hơn so với việc đưa vào các nhà máy hiện có, do chi phí chuyển đổi lớn.

Tuy nhiên, dù robot không cần ngày nghỉ, lương hưu hoặc nơi nghỉ ngơi giải trí, nhưng chúng cũng có những nhược điểm. Chúng đắt đỏ, vẫn cần người lập trình, bảo trì, và thời gian đầu có thể gây ra một số vấn đề về chất lượng.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/chi-phi-dat-do-co-the-khien-cong-nhan-o-to-my-dan-bi-thay-bang-nguoi-may-20240122224754850.htm

  • Từ khóa