Tại SEA Games 32 tới đây, nước chủ nhà Campuchia quyết định đưa môn võ truyền thống, mang tính bản sắc văn hóa dân tộc là Kun Bokator vào chương trình thi đấu. Tính đến thời điểm này đã có 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đăng ký cử vận động viên tranh tài cùng nước chủ nhà.
Đội tuyển quốc gia môn Kun Bokator Việt Nam được thành lập từ đầu tháng 3/2023, ông Lê Công Bút làm huấn luyện viên trưởng cùng 15 vận động viên được lựa chọn kỹ càng, tiêu biểu đại diện cho võ thuật cổ truyền Việt Nam. |
Sau gần 1 tháng tập trung, đội tuyển Bokator Việt Nam đã tham dự giải tiền SEA Games 32 đầu tháng 4 vừa qua và giành 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng tại giải. Đây là thành tích rất ấn tượng của đội tuyển Bokator Việt Nam trong bối cảnh các võ sĩ phải làm quen với một môn võ mới cùng thể thức thi đấu khác biệt. |
Trong số các vận động viên được triệu tập, có nhiều gương mặt đáng chú ý như: Nguyễn Thị Tuyết Mai (An Giang), Trần Võ Song Thương (Bình Định), Nguyễn Thị Thanh Tuyền (Bình Định), Ngô Đức Mạnh (Công an nhân dân), Huỳnh Văn Cường (Đà Nẵng), Đặng Văn Thắng (TP Hồ Chí Minh)… |
Theo huấn luyện viên Lê Công Bút, về cơ bản, Kun Bokator không khác quá nhiều so với Võ thuật cổ truyền Việt Nam khi cùng sở hữu các đòn đấm, đá, chỏ, gối hay vật ngã…, số ít những điểm khác biệt nằm ở các đòn bay gối, đòn đá vào mặt, đá vào đầu. |
Với nền tảng sẵn có từ võ thuật cổ truyền, cùng với sự hướng dẫn từ chuyên gia của Campuchia, các vận động viên của Việt Nam không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tập luyện, làm quen với môn võ mới. |
Các vận động viên sẽ tham dự tranh tài ở nội dung đối kháng với 9 hạng cân khác nhau, bao gồm 50kg, 55kg, 60kg, 65kg và 70kg dành cho nam và hạng cân 45kg, 50kg, 55kg và 60kg dành cho nữ. |
Niềm hy vọng lớn nhất của đội là vận động viên kỳ cựu Nguyễn Thị Tuyết Mai. Gương mặt quen thuộc tại các giải Vô địch Võ thuật cổ truyền và Kickboxing quốc gia, với 2 tấm Huy chương Vàng Đại hội Võ thuật châu Á 2009, Huy chương Vàng Asian Indoor Games 3. Đáng chú ý, vào năm 2009 tại SEA Games 25 trên đất Lào, Tuyết Mai đã trở thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên vô địch môn Muay ở hạng cân 51kg. |
Khi lên sàn đấu, vận động viên Kun Bokator đội mũ, đeo găng hở ngón, mang áo giáp, bọc ống chân, bọc cùi chỏ. Kun Bokator mặc quần ngắn thi đấu đặc trưng kèm khố truyền thống của Campuchia. Một trận đấu Kun Bokator diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút nghỉ 1 phút giữa các hiệp. |
Môn Kun Bokator có một số kỹ thuật đánh tương đồng với võ thuật cổ truyền Việt Nam, tuy nhiên, cách tính điểm lại khác khá nhiều. Đơn cử như đòn đánh ngã không được tính điểm, điểm tổng trong mỗi hiệp được tính tương tự như ở môn boxing. |
Các vận động viên của đội tuyển đều là những cá nhân giỏi, đã từng đoạt huy chương vàng tại các kỳ đại hội trong nước nên ban huấn luyện đặt mục tiêu phấn đấu lọt vào chung kết ở toàn bộ hạng cân tham dự. |
Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam là sự kết hợp của những vận động viên kỳ cựu và lứa vận động viên trẻ. |
Dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật của chuyên gia Campuchia. Đội tuyển đã nắm bắt kỹ hơn về luật, tập luyện chuyên sâu về các động tác để đạt hiệu quả cao trong thi đấu. |
Ở giai đoạn nước rút khi SEA Games đang đến gần, các vận động viên đều nghiêm túc tập luyện như lúc thi đấu, cho nên việc chấn thương xảy ra là điều không thể tránh khỏi. |
Chuyên gia Chhun Sok người Campuchia trực tiếp bổ trợ thêm cho thành viên đội tuyển. |
Những phút thư giãn sau giờ tập luyện luôn quý giá với các vận động viên để họ có thể chia sẻ và rút kinh nghiệm cùng nhau. |
THỦY NGUYÊN-TUẤN DŨNG
https://nhandan.vn/anh-cho-ky-tich-cua-doi-tuyen-kun-bokator-viet-nam-post749401.html