Đoàn Việt Nam kết thúc SEA Games 32 với vị trí đứng đầu bảng tổng sắp huy chương các môn Olympic. Đây là sự nỗ lực tuyệt vời của các VĐV trong điều kiện thi đấu rất khó khăn tại Campuchia.
Không chỉ gây ấn tượng với thành tích đứng đầu Đại hội Đông Nam Á, đoàn thể thao Việt Nam còn nhất toàn đoàn nếu chỉ tính riêng tổng số HCV ở môn thể thao Olympic với con số 74, chiếm 54% tổng số HCV.
Đội tuyển vật Việt Nam giành đến 13 HCV ở SEA Games 32 (Ảnh: Mạnh Quân).
Cụ thể, thể thao Việt Nam giành ở các môn Olympic gồm: bơi (7), điền kinh (12), bóng rổ 3x3 (1), boxing (2), xe đạp (1), đấu kiếm (4), bóng đá (1), golf (1), thể dục (9), judo (8), karate (6), bóng bàn (1), taekwondo (4), cử tạ (4), vật (13).
Trong khi đó, Thái Lan giành 61/108 tấm HCV tại bảng xếp hạng đặc biệt này. Các quốc gia tiếp theo là Singapore (41/51), Philippines (32/58), Malaysia (21/34), Campuchia (14/81), Myanmar (2/21).
Với những thống kê chi tiết này, từ đó giúp ngành thể thao đánh giá về kết quả đạt được, đồng thời có sự đầu tư mạnh cho các môn Olympic nhằm hướng tới sân chơi lớn trong tương lai, gần nhất là Asiad 19 diễn ra vào tháng 9 tới tại Trung Quốc.
"Với kỳ Asiad tới, chúng ta hy vọng tranh chấp huy chương ở bắn cung, bắn súng, đua thuyền, cử tạ, cầu mây, một số môn võ…", Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cho hay.
Trước khi SEA Games 32 khởi tranh, chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành từ 89 đến 120 HCV và xếp trong top 3 chung cuộc. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt chỉ tiêu đề ra sớm khi Đại hội vẫn còn đang diễn ra.
Kết thúc SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam giành tới 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ, xuất sắc giành vị trí số một chung cuộc, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV.
Đây là thành công ngoài mong đợi bởi giới chuyên môn và người hâm mộ đều chung nhận định, SEA Games 32 là kỳ đại hội khó khăn.
Kết quả này giúp đoàn thể thao Việt Nam lần thứ 3 trong lịch sử đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games sau khi từng làm được vào các năm 2003 và 2022. Đáng chú ý, đây mới là lần đầu tiên Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn trong một kỳ SEA Games không phải là nước chủ nhà.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt, một số môn như bơi lội (7 HCV, xếp sau Singapore), điền kinh (12 HCV, xếp sau Thái Lan), bóng đá nam không hoàn thành chỉ tiêu, nhưng tính tổng thể đoàn thể thao Việt Nam có một kỳ SEA Games thành công.
"Kỳ SEA Games lần này, chủ nhà Campuchia cắt bỏ nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là các môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic như bắn cung, bắn súng; hạn chế số lượng nội dung tham dự của các đoàn ở nhiều môn, đặc biệt là môn võ.
Chưa hết, điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Campuchia ảnh hưởng tới các thành tích các vận động viên (VĐV), chưa kể quá trình chuẩn bị cho đại hội của nhiều đội tuyển thể thao quốc gia gặp thách thức lớn khi thời gian gấp gáp, không có điều kiện tập huấn nước ngoài và thiếu thiết bị tập luyện.
Vượt lên trên tất cả, các đội tuyển quốc gia đã thi đấu quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn để giành chiến thắng xứng đáng", ông Hà Việt nói.
Ba môn mang nhiều HCV nhất cho đoàn thể thao Việt Nam là lặn (14 HCV), vật (13 HCV) và điền kinh (12 HCV). VĐV giành nhiều HCV nhất cho đoàn Việt Nam là Nguyễn Thị Oanh của môn điền kinh.
Cô gái người Bắc Giang về nhất ở 4 nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m. VĐV trẻ nhất giành HCV là Lê Khánh Hưng (15 tuổi) ở môn golf. Đây cũng là tấm HCV lịch sử của golf Việt Nam ở đấu trường SEA Games.
Ngoài ra, chúng ta có hai kỷ lục ở môn bơi của Phạm Thanh Bảo (100m và 200m bơi ếch nam) và hai kỷ lục ở môn cử tạ của Trần Minh Trí (67kg nam) và Nguyễn Quốc Toàn (89kg nam). Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) lập cột mốc 13 HCV ở các kỳ SEA Games mà cô tham dự.
"Việc đoàn thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu HCV đến từ sự nỗ lực hết mình và thi đấu thăng hoa của các VĐV. Chúng ta có lứa VĐV trẻ tài năng. Rất nhiều VĐV dù lần đầu dự SEA Games và còn trẻ nhưng xuất sắc giành HCV, thậm chí phá kỷ lục.
Chúng ta đạt thành tích tốt ở nhiều môn và có sự vượt trội so với đội đứng thứ hai là Thái Lan. Có những dấu ấn mà tôi phải khâm phục cho sự nỗ lực của VĐV, như trường hợp của Nguyễn Thị Oanh giành 2 HCV điền kinh chỉ cách nhau khoảng 20 phút, hay những bà mẹ hai con vẫn thi đấu xuất sắc giành HCV", ông Đặng Hà Việt chia sẻ.
An An