World Cup nữ 2023: Đội tuyển nữ Việt Nam chòng chành ở biển lớn

Chủ nhật, 30.07.2023 | 14:36:32
330 lượt xem

Khi thủ thành Kim Thanh được giới mộ điệu toàn cầu công nhận là tuyển thủ Việt Nam chơi hay nhất hai trận đã qua của đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup nữ 2023, thì đó có lẽ là chuyện buồn nhiều hơn vui.

Ở hai trận đấu với đội tuyển nữ Mỹ và Bồ Đào Nha, đoàn quân của huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung nhận tới 57 cú dứt điểm (28 cú ở trận gặp đội tuyển nữ Mỹ, 29 cú ở trận gặp đội tuyển nữ Bồ Đào Nha). Trong đó, thủ môn Kim Thanh có 12 lần cứu thua ở hai trận cầu trên. Đặc biệt, thủ thành sinh năm 1993 có thể tự hào khi đã cản phá được cú sút phạt đền của huyền thoại bóng đá người Mỹ Alex Morgan. Vậy là, sau hai thập niên, đội tuyển nữ Mỹ mới đá hỏng phạt đền ở đấu trường World Cup.

Tuy nhiên, sự tỏa sáng của Kim Thanh không đủ để tạo ra gam màu rực rỡ cho bức tranh toàn cảnh về đội tuyển nữ Việt Nam, trong lần đầu tiến vào biển lớn.

Thu Thảo cắt đường chuyền của đối thủ. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG 

Thu Thảo cắt đường chuyền của đối thủ. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG 

Ở Đông Nam Á, đội tuyển nữ Việt Nam là một thế lực, có nhiều giai đoạn được thừa nhận là quyền lực tối thượng. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đã kiên gan, bền chí đến với World Cup nữ 2023. Đội nhà đã có những trận đấu giao hữu mang đến cảm giác an tâm, như trận thua trước đội bóng hùng mạnh Đức 1-2. Nhưng khi tiến vào đấu trường World Cup, cảm giác các học trò của thầy Chung có phần bị ngợp.

Ở World Cup nữ 2011, đội tuyển nữ Nhật Bản vô địch với chiều cao trung bình 1,6221m. 4 năm sau, trong trận chung kết, vẫn với đội tuyển nữ Mỹ, các cô gái đến từ xứ phù tang với chiều cao trung bình 1,6256m để thua với tỷ số 2-5.

Ở World Cup đang diễn ra tại Australia và New Zealand, đội tuyển nữ Việt Nam có chiều cao trung bình 1,6057m, là đội thấp thứ hai tại giải. Đội tuyển nữ Nhật Bản với chiều cao trung bình 1,6477m, nằm trong tốp 5 đội thấp nhất World Cup kỳ này.

5 đội có chiều cao trung bình tốt nhất giải đấu đều đến từ châu Âu: Đan Mạch (1,7348m), Đức (1,7222m), Thụy Điển (1,7087m), Hà Lan (1,7061m) và Na Uy (1,7026m). Ở cùng bảng đấu với thầy trò nhà Mai Đức Chung, ngoài Hà Lan, còn có đương kim vô địch Mỹ đứng thứ sáu với chiều cao trung bình 1,6939m, Bồ Đào Nha đứng thứ 17 với chiều cao trung bình 1,6804m.

Hậu vệ Diễm My nỗ lực tranh chấp bóng trên không. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG 

Hậu vệ Diễm My nỗ lực tranh chấp bóng trên không. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG 

Từ trường hợp của nữ Nhật Bản vô địch World Cup 2011 và giành ngôi á quân 4 năm sau ở World Cup 2015, có thể thấy chiều cao không phải là vấn đề quá quan trọng. Bóng đá Nhật chọn lối chơi tiqui-taka cho cả nam lẫn nữ và họ tin rằng, đây chính là lối chơi giúp bóng đá xứ mặt trời mọc tiệm cận và nhanh chóng thu hẹp với các nền bóng đá hàng đầu thế giới. Tuy nhiên có một lưu ý, với bóng đá nam, người Nhật thừa nhận nếu họ không có tiền đạo cao 1,9m, thì gần như không có cửa lọt vào bán kết World Cup.

Về thời tiết, hôm nay (30-7) nhiệt độ ở Auckland là 14,6 độ C; thứ 2 (ngày 31-7) là 15,8 độ C và vào thứ 3 (ngày 1-8), khi Huỳnh Như cùng đồng đội đấu với Hà Lan, nhiệt độ được dự đoán 16,11 độ C. Một sự khó chịu với các tuyển thủ đến từ miền Nam (Chương Thị Kiều, Thu Thảo, Trần Thị Thu…) khi phải thi đấu dưới thời tiết lạnh nhưng với các tuyển thủ ở phía Bắc (Hải Linh, Hải Yến, Vạn Sự…) thì nhiệt độ trên không thể làm khó được họ.

Vấn đề mấu chốt nằm ở đấu pháp (ban huấn luyện) và tinh thần, sự kiên cường, tuân thủ nghiêm chiến thuật của cầu thủ.

Ở hàng tiền đạo, chúng ta có Huỳnh Như là tên tuổi nổi bật nhưng đá với các đội tuyển mạnh hơn, khi chơi phòng ngự phản công, chúng ta gần như giương mình chịu trận. Ít nhất đội tuyển nữ Việt Nam cần có 2-3 tiền vệ chất lượng để kiểm soát tuyến giữa, kiêm nhiệm vụ phòng ngự từ xa lẫn quán xuyến hai hành lang. Nhưng điều đó chỉ hiện hữu khi các tuyển thủ có phong độ cao, còn khi xuống sức, mất tinh thần, giảm nhuệ khí, thì việc thua đậm hay mất thế trận là điều sẽ đến.

 Huỳnh Như nhận thẻ vàng vì lỗi câu giờ trong trận gặp đội tuyển nữ Mỹ. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

 Huỳnh Như nhận thẻ vàng vì lỗi câu giờ trong trận gặp đội tuyển nữ Mỹ. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

HLV Mai Đức Chung có tài, có tâm, có sự nhiệt huyết nhưng trong tay ông chưa có đủ bột để gột nên hồ. Các cô gái của chúng ta đã thi đấu kiên cường, thể hiện ý chí tuyệt vời nhưng ở lần đầu tiến ra biển lớn, đội nhà đã run tay chèo. Nếu phải tự chèo thuyền nơi đại dương, hẳn người hâm mộ sẽ biết thế nào là sóng lớn, là sự nguy hiểm khi va vào ghềnh đá, là những bóng đen thẫm dưới sup dẫn tới sự hoảng loạn, rồi rất nhanh, sợ hãi bỗng chốc dâng tràn trong cơ thể.

Tôi từng chèo sup ở Hòn Sẹo (Quy Nhơn), sóng đẩy sup ra xa khiến tôi dao động. Khi đó, tôi bị cuốn vào cuộc chơi của đại dương. Tôi nỗ lực đưa sup vào bờ nhưng không thể quẹo được bên trái, đành chấp nhận (đúng ra chịu thua sóng và gió) phó mặc sup quay đầu về bên phải, chấp nhận rủi ro va vào ghềnh đá.

Đội tuyển nữ Việt Nam có lẽ cũng vậy. Huỳnh Như cùng đồng đội buộc phải chơi theo cách đội tuyển nữ Mỹ áp đặt thế trận. Khi gặp nữ Bồ Đào Nha, các học trò của HLV Mai Đức Chung tưởng có thể đè được ngọn sóng đến từ bán đảo Iberia nhưng tất cả đã tỉnh ngộ khi nhận hai bàn thua.

Sức ta còn yếu, lực ta còn có hạn. Lần đầu tiến ra biển lớn, có dao động, có mất tinh thần, có nhụt nhuệ khí âu cũng là điều khó tránh khỏi. Phải là người trong cuộc, mới hiểu được khó khăn đến nhường nào.  


KHOA MINH

https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/world-cup-nu-2023-doi-tuyen-nu-viet-nam-chong-chanh-o-bien-lon-736757

  • Từ khóa