Không giành thêm được HCV nào trong ngày 7-10, đoàn Việt Nam xếp hạng nằm ngoài top 20 của Asian Games 19, so với các nước trong khu vực thì tụt xuống hạng 5 dù đứng đầu SEA Games 2 kỳ liên tiếp
Cảnh hiu hắt, khô hạn huy chương của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) trong phần lớn thời gian diễn ra Á vận hội (ASIAD) 19 khi lần lượt những môn trọng điểm như điền kinh, xe đạp, cử tạ, bắn cung... trắng tay còn bóng đá thì cả tuyển nữ lẫn tuyển Olympic Việt Nam đều dừng bước sau vòng bảng. Trừ thành tích ấn tượng sớm đến từ bắn súng với xạ thủ "con nhà nòi" Phạm Quang Huy, phải đến những ngày cuối, niềm vui mới xuất hiện nhiều hơn với đoàn TTVN dù thành tích trên bảng tổng sắp huy chương vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Thất bại được dự báo
Những điểm sáng, những câu chuyện hay và những môn thi đấu hấp dẫn thu hút người hâm mộ Việt Nam là quá ít và câu hỏi đặt ra là vì sao chỉ tiêu thành tích dẫu không cao nhưng TTVN vẫn hụt hơi ở đấu trường lớn châu lục? Đáp án thậm chí còn được "nhìn" thấy từ trước ngày diễn ra đại hội dù TTVN đã chủ động giảm mức đăng ký số lượng huy chương vàng.
Không cần so sánh với các cường quốc thể thao của châu lục, tính riêng ở khu vực Đông Nam Á, TTVN vẫn hoàn toàn lép vế so với các quốc gia Đông Nam Á khác dù giành vị trí nhất toàn đoàn qua 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Thực tế đầy nghịch lý này được gióng lên và liệu có quá muộn hay không để những nhà quản lý thể thao nước nhà vào cuộc, đánh giá vấn đề và đưa ra phương án cho sự phát triển trong tương lai?
Thể thao Việt Nam cần định hướng phát triển từ hệ thống môn thi Olympic. (Ảnh: QUÝ LƯỢNG)
Tham dự ASIAD 19 với lực lượng 337 VĐV, đoàn TTVN giành được 25 huy chương (3 HCV, 5 HCB, 17 HCĐ), tức phải 13-14 lượt tuyển thủ xuất trận mới mang về được 1 tấm huy chương. Rất nhiều môn trắng tay như bóng đá, điền kinh, cử tạ, judo, xe đạp, bóng bàn, đấu kiếm, quần vợt, soft tennis…
Đáng ngại thay, hầu hết các môn này đều trong hệ thống Olympic mà TTVN đang vất vả tìm suất, kiếm chuẩn tham dự Thế vận hội Paris 2024.
Ngay cả kình ngư Nguyễn Huy Hoàng dù đã giành được một chuẩn A cùng một chuẩn B đến Paris nhưng thành tích của anh khó có thể nói là thành công. Anh giành cú đúp huy chương đồng ở các nội dung 800 m và 400 m tự do nam nhưng việc không thể bảo vệ tấm huy chương cự ly sở trường 1.500 m tự do nam rõ ràng cột mốc không vui với sự nghiệp của chàng trai mới 23 tuổi này.
Đồng đội của Huy Hoàng cũng đồng loạt gây thất vọng khi thành tích thi đấu còn "tệ" hơn cả ở SEA Games 32.
Thua sút các nước trong khu vực
Trong khi TTVN chật vật tìm kiếm thành tích, nhiều nước Đông Nam Á lại thể hiện sức vươn đáng kinh ngạc tại ASIAD 19. Thái Lan chắc chân trong top 7 với 12 HCV, 14 HCB và 31 HCĐ, vượt trội toàn diện cả về số lượng lẫn màu huy chương. Đoàn quân thể thao xứ chùa vàng giành đến 7/12 HCV từ các môn thể thao Olympic như đua thuyền buồm, golf, taekwondo.
Indonesia giành đến 7 HCV, trong đó có những chiến thắng đáng ghi nhận ở các môn bắn súng, xe đạp, cử tạ... Malaysia giành 5 HCV toàn những môn Olympic như đua thuyền buồm, Squash và cưỡi ngựa. Philippines giành 4 HCV các môn Olympic như điền kinh, bóng rổ, jujitsu; Singapore cũng "qua mặt" Việt Nam trên bảng tổng sắp nhờ số lượng huy chương bạc khi cùng giành 3 HCV, từ các môn điền kinh và đua thuyền buồm.
Được ngợi ca với ngôi đầu toàn đoàn tại SEA Games 32, kỳ đại hội đầu tiên diễn ra tại quốc gia trung lập, TTVN cũng lưu lại dấu ấn với lần thứ 3 liên tiếp đứng trên Thái Lan ở bảng tổng sắp huy chương. Tất cả những thông số này đều rất ấn tượng nhưng thực tế lại vô cùng đáng buồn bởi nghịch lý: Việt Nam ngày càng mạnh hơn ở khu vực nhưng lại thụt lùi khi bước ra sân chơi châu lục và thế giới.
Đừng quên Olympic Tokyo 2020 đánh dấu kỳ Thế vận hội đầu tiên mà Việt Nam không thể giành huy chương nào kể từ năm 2004. Tại Nhật Bản, đoàn Việt Nam có tổng cộng 18 VĐV tranh tài ở 11 môn thể thao nhưng lại không thể gặt hái thành tích như mong đợi.
Tìm định hướng phát triển cho thể thao Việt Nam
Không phải đến thời điểm này, giới quản lý mới nhìn ra vấn đề của TTVN nhưng thấy là một chuyện còn cách làm, hướng đi và mục tiêu ra sao lại là điều đáng bàn. Trả lời truyền thông ngay tại Hàng Châu, Trưởng đoàn TTVN Đặng Hà Việt gần như chỉ nhắc đến những điều ông và các cộng sự tiếc nuối với màn trình diễn dưới sức của TTVN tại Á vận hội lần này.
Ông tiếc cho Nguyễn Thị Thật vừa bình phục chấn thương nên vuột huy chương chỉ vài phần trăm giây; tiếc cho Nguyễn Thị Tâm không kịp đạt điểm rơi phong độ sau khi giành ngôi á quân thế giới và dính chấn thương; tiếc cho tay vợt Nguyễn Thùy Linh muôn dặm chinh phục điểm số và thứ hạng thế giới trong cảnh eo hẹp, không thầy, không bác sĩ đồng hành; hay tiếc cả những cập nhật về quy định tập luyện, thi đấu mà VĐV Việt Nam không theo kịp, lỡ cơ hội tiếp cận thành tích đỉnh cao.
SEA Games không phải không có vị trí quan trọng trong hành trình phát triển nhưng TTVN cần hướng đến các sân chơi tầm cỡ như ASIAD hay Olympic. Tìm kiếm nguồn đầu tư ra sao, tuyển chọn, tìm kiếm tài năng cho đến huấn luyện, tập huấn, thi đấu cọ xát tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh, tất cả cần có một lộ trình phát triển với kế hoạch lâu dài, bài bản và đồng bộ.
Để đạt được thành tích ở những sân chơi đẳng cấp này, TTVN phải xác định được sự cạnh tranh trong thể thao cũng chính là sự cạnh tranh của những nền kinh tế mạnh trên thế giới. Chính vì thế, đạt thành tích cao trong thể thao là quá trình dài mà ngành thể thao cũng rất cần sự quan tâm, đầu tư của cả xã hội.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/the-thao/bai-hoc-lon-cho-the-thao-viet-nam-tu-asiad-19-20231007210708506.htm