Vì một nền thể thao lành mạnh, công bằng, không doping

Chủ nhật, 17.12.2023 | 14:57:58
564 lượt xem

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

Dự thảo đề xuất quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao, bao gồm: Giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping; Kiểm tra doping; Quản lý kết quả; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping.

Một trong các nguyên tắc phòng, chống doping trong hoạt động thể thao được nêu tại dự thảo là: Hoạt động phòng, chống doping cần được tổ chức thường xuyên. Đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới, các Tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Đảm bảo vận động viên được tập luyện và thi đấu trong môi trường không doping và được thông tin đầy đủ về tác hại của doping.

Công tác tuyên truyền phòng, chống doping. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Dự thảo nêu rõ các hành vi vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới gồm: Có chất bị cấm, chất chuyển hóa hoặc chất đánh dấu của chất bị cấm trong mẫu xét nghiệm của vận động viên. Sử dụng hay cố tình sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm. Lảng tránh, từ chối hoặc bỏ lỡ việc lấy mẫu thử mà không phải vì lý do bất khả kháng sau khi có thông báo. Vi phạm các yêu cầu liên quan đến sự có mặt của vận động viên để kiểm tra doping ngoài thi đấu. Làm sai lệch hoặc gây cản trở đối với bất kỳ công đoạn nào của việc kiểm tra doping. Sở hữu chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm. Buôn bán chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm. Cho vận động viên uống, sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm trong thi đấu hoặc ngoài thi đấu; hỗ trợ, khuyến khích, giúp sức, sai khiến, bao che hoặc dính líu đến bất kỳ hành vi đồng lõa nào khác vi phạm quy định về phòng, chống doping. Đồng lõa, bao che cho một hoặc nhiều hành vi quy định từ Khoản 1 đến Khoản 8 Điều này. Vận động viên có liên hệ về chuyên môn thể dục thể thao với huấn luyện viên, người hướng dẫn, bác sĩ hoặc bất kỳ ai đang trong thời gian bị kỷ luật do vi phạm quy định về phòng, chống doping. Kỳ thị, trù dập người tố cáo hành vi vi phạm doping.

Dự thảo cũng nêu rõ mục tiêu giáo dục truyền thông phòng, chống doping trong hoạt động thể thao vì một nền thể thao lành mạnh, công bằng, không doping; bảo vệ quyền và nghĩa vụ của vận động viên; thực hiện giám sát, kiểm tra, ngăn chặn việc vận động viên sử dụng doping trong thể thao.

Việc giáo dục, truyền thông nhằm cung cấp cho vận động viên, các tổ chức và cá nhân liên quan thông tin chính xác về những nội dung sau: Bộ luật Phòng, chống doping thế giới; các quy định về phòng, chống doping tại Việt Nam. Các chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm được đưa vào Danh mục cấm hàng năm do Tổ chức phòng, chống doping thế giới ban hành. Các trường hợp vi phạm pháp luật về phòng, chống doping. Hậu quả của việc sử dụng doping gồm các mức hình phạt, tổn hại về sứckhỏe và xã hội. Các quy định về thủ tục tiến hành kiểm tra doping. Quyền và trách nhiệm của vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ y tế. Các trường hợp được miễn trừ do điều trị. Kiểm soát các nguy cơ khi sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng. Tác hại của doping đối với tinh thần thể thao. Quy trình xử lý kỷ luật bao gồm kháng cáo.

Dự thảo quy định miễn trừ do điều trị cho vận động viên. Theo đó, vận động viên có hồ sơ bệnh án bắt buộc sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm để điều trị cần được cấp phép Miễn trừ do điều trị theo quy định của Tổ chức Phòng, chống doping quốc gia và Tiêu chuẩn quốc tế về Miễn trừ do điều trị. Vận động viên không vi phạm Luật phòng, chống doping khi các chất cấm hoặc phương pháp cấm bị phát hiện trong mẫu thử hoặc sở hữu nếu họ có đơn Miễn trừ do điều trị phù hợp cho phép sử dụng chất cấm hoặc phương pháp cấm như yêu cầu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/vi-mot-nen-the-thao-lanh-manh-cong-bang-khong-doping-755796

  • Từ khóa