Từ các giải bóng đá chuyên nghiệp tới các đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam được chờ đợi sẽ ghi những dấu ấn lớn về sự phát triển trong năm 2024.
Công nghệ VAR mang tính lịch sử ở V-League
Tại V-League 2023, lần đầu tiên công nghệ VAR (Video Assistant Referee - video hỗ trợ trọng tài) được sử dụng (trong 5 trận cuối mùa giải). Đây là bước tiến lịch sử của bóng đá Việt Nam nói chung và V-League nói riêng.
Việc áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới giúp các trọng tài đưa ra những quyết định chính xác, tăng tính minh bạch cho các màn so tài trên sân cỏ.
Sự xuất hiện của công nghệ VAR mang đến hiệu ứng tích cực cho V-League (Ảnh: Mạnh Quân).
Bước sang năm 2024, VAR được sử dụng rộng rãi hơn ở các trận đấu. Hiện tại, ít nhất có 4 sân dùng VAR ở mỗi vòng đấu. Công ty VPF đặt mục tiêu sẽ áp dụng VAR ở toàn bộ các sân V-League, sau khi được FIFA cấp phép và hỗ trợ.
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ VAR nhằm góp phần nâng cao chất lượng cho V-League: "Khi VAR được áp dụng vào hệ thống thi đấu sẽ giúp các trận đấu được công bằng hơn, chất lượng giải đấu cũng nâng cao hơn.
VAR là bước đột phá trong việc phát triển bóng đá thế giới. Ngay từ lần đầu tiên áp dụng chính thức từ World Cup 2018 tại Nga, VAR đã nhận được những đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như các nhà hoạch định chính sách. Thực tế cho thấy dù có VAR thì các trọng tài vẫn có thể sai sót.
Vì thế, vấn đề con người là quan trọng nhất. Vừa rồi FIFA đã tổ chức các đợt tập huấn, thực hành, kiểm tra rất khắt khe với những tiêu chí cao để chọn nhân sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu với công nghệ mới này. Một điều chắc chắn là VAR sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho V-League", người đứng đầu VFF nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết 2 vấn đề nhân sự và trang thiết bị là khó khăn lớn nhất. VFF và VPF đang có sự phối hợp chặt chẽ nhằm sử dụng công nghệ VAR theo đúng tiêu chuẩn FIFA.
Không chỉ có VAR, sau hơn 20 năm diễn ra theo năm đơn, V-League 2023-24 trở thành mùa giải đầu tiên mà bóng đá Việt Nam áp dụng tổ chức vắt qua 2 năm, với khung thời gian đồng bộ hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) dành cho cấp CLB.
Chất lượng V-League tăng lên đáng kể nhờ sự hiện diện của công nghệ VAR (Ảnh: Mạnh Quân).
"Việc điều chỉnh, đồng bộ thị trường chuyển nhượng cầu thủ giữa châu Á và châu Âu giúp các CLB thành viên của AFC có thêm cơ hội tuyển dụng những cầu thủ và HLV chất lượng đồng thời mở đường cho cầu thủ châu Á ra thế giới," ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc VPF cho biết.
Sự thay đổi là phù hợp với yêu cầu phát triển của nền bóng đá. Thêm vào đó, đây cũng là bước đồng bộ với xu hướng của châu lục. HLV trưởng Philippe Troussier khi nhậm chức ở tuyển Việt Nam đã nhấn mạnh rằng yếu tố liên tục và toàn vẹn của hệ thống giải chuyên nghiệp là chân đế thực sự của một đội tuyển quốc gia.
Những thay đổi tích cực về công tác tổ chức tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đặc biệt là V-League, chính là "bàn đạp" để nâng tầm cho các đội tuyển quốc gia.
Đội tuyển Việt Nam và giấc mơ World Cup
Trong năm 2023, lần đầu tiên bóng đá Việt Nam góp mặt ở sân chơi World Cup. Tuyển nữ Việt Nam không chỉ tạo nên hình ảnh rất đáng tự hào, mà còn là cú hích với các đồng nghiệp ở đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Việt Nam.
Tại Đại hội Thường niên VFF năm 2023, VFF cho biết sẽ tập trung vào nhiều mục tiêu trong năm 2024, trong đó tiếp tục triển khai "Đề án phát triển bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup 2026-2030", "Đề án phát triển bóng đá phong trào giai đoạn 2020- 2030", "Chương trình mục tiêu phát triển nguồn lực tham gia vòng chung kết World Cup 2030, Asian Games 2027, 2031 và Olympic 2008, 2032"…
Đội tuyển Việt Nam hướng đến nhiều mục tiêu lớn trong năm 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).
Để hướng tới những mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2023, sau khi ngồi ghế thuyền trưởng, HLV Philippe Troussier đã tuyển chọn tới gần 100 cầu thủ, trong đó đặc biệt dành sự tập trung cho những gương mặt trẻ bởi đây chính là những hy vọng của bóng đá Việt Nam trong tương lai.
Thực tế cho thấy, ở các trận giao hữu và đặc biệt là vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, ông Philippe Troussier đã tiến hành trẻ hóa lực lượng ở tuyển Việt Nam. Các cầu thủ trẻ như: Đình Bắc, Văn Cường, Văn Khang, Phan Tuấn Tài, Minh Trọng… được trao cơ hội khoác áo ĐTQG Việt Nam và chơi ngày một tiến bộ.
Trong năm 2024, tuyển Việt Nam tiếp tục tham dự vòng loại 2 World Cup 2026 với mục tiêu lọt vào vòng loại thứ 3, ngoài ra còn có Asian Cup, AFF Cup…
Với các đội tuyển trẻ, đáng chú ý U23 Việt Nam sẽ tham dự vòng chung kết châu Á. Theo kết quả bốc thăm, đoàn quân của HLV Philippe Troussier nằm ở bảng D cùng các đội Uzbekistan, Malaysia và Kuwait.
Đây là lần thứ 5 U23 Việt Nam góp mặt ở vòng chung kết U23 châu Á, cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam được đầu tư đúng hướng. Nhưng để tái hiện được kỳ tích như năm 2018 thì không đơn giản, bởi bóng đá trẻ ở châu lục có bước tiến mạnh những năm gần đây, trong khi lứa U23 của Việt Nam không có nhiều gương mặt nổi bật.
HLV Troussier được kỳ vọng giúp bóng đá Việt Nam hướng đến mục tiêu giành vé dự World Cup 2026 (Ảnh: Mạnh Quân).
Đây cũng chính là lý do để HLV Philippe Troussier tiến hành trẻ hóa ở tuyển Việt Nam. Nhà cầm quân người Pháp cho biết, với sự chuẩn bị và tích lũy liên tục như vậy, các cầu thủ có được sự tự tin và nền tảng nhất định để sẵn sàng đương đầu với thử thách sắp tới.
Ngoài ĐTQG và U23 Việt Nam, VFF tiếp tục đầu tư vào công tác phát triển bóng đá trẻ và hệ thống các giải trẻ (các lứa tuổi U); triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các giải bóng đá nữ quốc gia; đầu tư cho tuyển futsal lần thứ 3 tham dự World Cup; đào tạo HLV, thuê chuyên gia…
Tất cả những công việc trên đây đều giúp bóng đá Việt Nam có một chân đế vững chắc để từng bước tiến gần hơn tới giấc mơ Word Cup.
Theo dantri.com.vn