Đội tuyển Thái Lan đã công bố danh sách chính thức, còn Indonesia và Malaysia sử dụng khá nhiều cầu thủ sinh ra ở châu Âu, hướng đến Asian Cup 2023.
Các đội bóng Đông Nam Á đang có những bước chuẩn bị cuối cùng cho Asian Cup 2023, có đội tuyển đã hoàn tất việc thi đấu giao hữu của mình trước khi dự giải vô địch châu Á tại Qatar từ ngày 12/1 đến 10/2.
Đội tuyển đã đá xong các trận giao hữu trước Asian Cup là Thái Lan. Họ chỉ có một trận "làm nóng" với Nhật Bản vào ngày 1/1 vừa rồi. Trận đấu này, Thái Lan thua 0-5.
Thái Lan đã hoàn tất quá trình thi đấu giao hữu chuẩn bị cho Asian Cup 2023 (Ảnh: FAT).
Sau trận đấu, đội bóng đất Chùa Vàng cũng đã công bố danh sách 26 cầu thủ dự Asian Cup 2023, với hai sự bổ sung đáng chú ý so với trước đó. Hai sự bổ sung này thuộc về thủ môn Saranon Anuin (đang khoác áo CLB Chiangrai United) và tiền đạo Suphanat Mueanta (OH Leuven, Bỉ).
Trước đó, HLV Masatada Ishii (người Nhật Bản) của đội tuyển Thái Lan chỉ gọi hai thủ môn lên tuyển. Còn trường hợp của tiền đạo Suphanat Mueanta từng gây ra tranh cãi giữa đội tuyển Thái Lan và CLB OH Leuven, do đội bóng nước Bỉ không muốn trả Suphanat Mueanta về với đội tuyển Thái Lan quá sớm.
Các đội cùng khu vực gồm đội tuyển Việt Nam và Malaysia mãi đến sát Asian Cup mới thi đấu giao hữu. Đội tuyển Việt Nam gặp Kyrgyzstan tại Qatar (quốc gia chủ nhà của Asian Cup) vào ngày 9/1, còn Malaysia gặp Syria cũng tại Qatar vào ngày 8/1.
Indonesia là đội thi đấu giao hữu nhiều nhất trước giải vô địch châu Á. Đội bóng này thi đấu đến 3 trận giao hữu quốc tế, trong đó có 2 trận với đội tuyển Libya ở Thổ Nhĩ Kỳ vào các ngày 2/1 (Indonesia đã thua 0-4) và 5/1. Sau đó, đến ngày 9/1, Indonesia gặp Iran tại Qatar.
Indonesia tràn ngập cầu thủ nhập tịch trong đội hình nhưng vẫn không mạnh lên (Ảnh: PSSI).
Dù vậy, đội bóng xứ vạn đảo đá giao hữu nhiều chưa hẳn đã tốt. Sở dĩ Indonesia đá giao hữu nhiều như vậy trước Asian Cup vì họ có quá nhiều cầu thủ mới, với đa phần là cầu thủ nhập tịch trong đội hình. Họ đá giao hữu nhiều để các cầu thủ mới và cầu thủ cũ tìm ra tiếng nói chung.
Danh sách sơ bộ 29 cầu thủ của Indonesia đang tập huấn tại Thổ Nhĩ Kỳ có đến 8 người sinh ra ở nước ngoài: Hậu vệ Elkan Baggott, Justin Hubner, Sandy Walsh, Shayne Pattynama, Jordi Amat, tiền vệ Ivar Jenner, Marc Klok và tiền đạo Rafael Struick.
Dù vậy, chính những cầu thủ nhập tịch này đang khiến đội tuyển Indonesia bị chỉ trích, nhất là sau trận thua Libya tại Thổ Nhĩ Kỳ đêm qua (2/1).
Ngoài việc thiếu gắn kết với các cầu thủ thuần nội có trong đội hình, cầu thủ nhập tịch của Indonesia không giữ được bản sắc cho bóng đá xứ sở vạn đảo.
Đội tuyển Việt Nam hiện có nhiều cầu thủ trẻ nhưng được đánh giá cao về tinh thần thi đấu (Ảnh: Minh Quân).
Trước đây, Indonesia nổi tiếng với tinh thần thi đấu rất máu lửa, nhưng hiện tại, đoàn quân của HLV Shin Tae Yong không được đánh giá cao về mặt tinh thần.
Đây là điều trái ngược với đội tuyển Việt Nam. Dàn cầu thủ trẻ của HLV Philippe Troussier có thể vẫn còn nhiều điểm khiếm khuyết so với thế hệ đàn anh, nhưng các cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ bị chê về yếu tố màu cờ sắc áo.
Chính vì thế, chưa chắc Indonesia với 8 cầu thủ nhập tịch được đánh giá cao hơn đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023. Hai đội tuyển Việt Nam và Indonesia cùng thuộc bảng D và sẽ có trận đối đầu vào ngày 19/1.
Một đội bóng khác của Đông Nam Á cũng đang bị than phiền vì chuyện sử dụng cầu thủ nhập tịch quá nhiều, đó là Malaysia.
Đội bóng này hiện có đến 12 cầu thủ sinh ra ở bên ngoài Malaysia: Hậu vệ Mathew Davies, Daniel Ting, Dominic Tan, La'Vere Corbin-Ong, tiền vệ Stuart Wilkin, Endrick, Paulo Josué, Brendan Gan, Natxo Insa, tiền đạo Darren Lok, Mohamadou Sumareh và Romel Morales.
Dù xuất hiện nhiều cầu thủ nhập tịch trong đội hình, nhưng Malaysia bị đánh giá có ít cơ hội nhất trong số các đội Đông Nam Á, trong việc vượt qua vòng bảng. Thậm chí, Malaysia còn đối diện với nguy cơ thua cả 3 trận vòng bảng trước Hàn Quốc, Bahrain và Jordan.
Theo dantri.com.vn