Trả lời bạn xem truyền hình ngày 26/5/2020

Thứ 3, 26.05.2020 | 09:20:43
845 lượt xem

Câu 1. Bà Nguyễn Thị Lệ, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Lạng Sơn hỏi: Quy định cụ thể của pháp luật hiện hành về Cải chính thông tin trong Giấy chứng nhận kết hôn như thế nào?

Trả lời:       

Theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch quy định giải thích từ ngữ như sau: "Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch.”

Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định về điều kiện cải chính hộ tịch như sau: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.”

Như vậy, theo quy định này thì sai sót khi ghi sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn sẽ được giải quyết theo thủ tục cải chính hộ tịch.

Về thẩm quyền đăng ký cải chính hộ tịch, khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch quy định:

“2. Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này:

b) Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.

Mặt khác, khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước”.

Căn cứ quy định trên thì bà cần đến UBND huyện, quận, thị xã nơi bà đã đăng ký kết hôn trước đây hoặc nơi cư trú hiện tại của bà để được giải quyết.

Về thủ tục đăng ký cải chính hộ tịch, Điều 28 Luật Hộ tịch quy định như sau:

“1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch”.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, khi muốn cải chính số Giấy chứng minh nhân dân trong Giấy chứng nhận kết hôn, cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

- Mẫu tờ khai đăng ký việc cải chính hộ tịch (được quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch);

- Giấy chứng minh nhân dân;

- Bản chính giấy chứng nhận kết hôn.

Câu 2: Ông Phạm Văn Trường, trú tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng hỏi: Thủ tục cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định khoản 13 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13, “Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực”.

Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú được quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này, bao gồm:

“1. Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ được cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3.

2. Người nước ngoài được cấp thị thực có ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ, TT được xét cấp thẻ tạm trú có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thực”.

Ngày 01/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 có hiệu lực, các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú được quy định tại khoản 14 Điều 1 của Luật này, bao gồm:

Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên quan chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18, giúp người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.

b) Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT”.

Theo khoản 11 của Điều 3 của Luật này, “Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam”.

Nếu thuộc đối tượng như trên, hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú được quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này, bao gồm 

“a) Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh;

b) Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh;

c) Hộ chiếu;

Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại Điều 36 của Luật này.

Việc giải giải quyết cấp thẻ tạm trú được quy định tại khoản 2 của Điều này như sau:

“a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền của nước ngoài tại Việt Nam gửi hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3 tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp nộp hồ sơ, đề nghị cấp thẻ tạm tru cho người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật này tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trú”.

Hướng dẫn thủ tục, thẩm quyền giải quyết đề nghị cấp thẻ tạm trú, theo khoản 1 Điều 4 Thông tư số 31/2015/TT-BCA ngày 06/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an, “Người nước ngoài thuộc diện được cấp thẻ tạm trú theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân đã mời, bảo lãnh trực tiếp làm thủ tục tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú”./.

  • Từ khóa