Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:
Câu 1. Ông Phương Văn Chung trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: Mức xử phạt đối với hành vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp như sau:
Phạt tiền từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.
Đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.
Đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.
Thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước bị phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài.
Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường.
Đối với hành vi thải các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 50-80 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 3 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 5 lần đối với thông số môi trường thông thường.
Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 lần đến dưới 5 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 5 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường.
Phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.
Câu 2. Ông Lương Văn Hồng, trú tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc hỏi: pháp luật quy định như thế nào về việc trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật?
Trả lời:
Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, thì người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:
- Về trợ cấp xã hội hàng tháng các đối tượng sẽ được hưởng mức hỗ trợ như sau:
+ 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng;
+720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
+ 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Cấp thẻ bảo hiểm y tế;
- Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề;
- Hỗ trợ chi phí mai táng;
Người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội sẽ được hỗ trợ như sau:
+ 1.800.000 đồng đối với trẻ em dưới 04 tuổi;
+ 1.440.000 đồng đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên.
- Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 18 triệu đồng.
- Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.
- Hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm:
+ Được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ học mầm non, giáo dục phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất theo quy định của pháp luật.
+ Từ 16 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng không quá 22 tuổi.
+ Trẻ em từ 13 tuổi trở lên được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội không còn học phổ thông thì được giới thiệu học nghề.
+ Từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được đưa trở về nơi ở trước khi vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở trước đây của đối tượng có trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.
+ Từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì cơ sở trợ giúp xã hội và địa phương xem xét hỗ trợ để có nơi ở, tạo việc làm và cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục giải quyết trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.