Trả lời bạn xem truyền hình ngày 06/08/2024

Thứ 4, 07.08.2024 | 10:14:26
1,497 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Vương Hải Long trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Những tình tiết nào được coi là tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật?

Trả lời: 

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

   - Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

   - Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

    - Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; Vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

   - Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

   - Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; Phạm tội do lạc hậu;

   - Người phạm tội là phụ nữ có thai; Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

   - Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

   - Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

   - Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; Là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ;

   - Người phạm tội đầu thú hoặc tình tiết khác cũng có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

   Đối với các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

   - Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

   - Phạm tội có tính chất côn đồ; Phạm tội vì động cơ đê hèn; Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

   - Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên; Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;

   - Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;

   - Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội; Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;

   - Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

   Đối với các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.


Câu 2. Ông Nông Văn Cao trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc hỏi: những trường hợp mâu thuẫn tranh chấp nào trong nhân dân, tổ hòa giải được hòa giải, trường hợp nào không được hòa giải theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo Điều 5 Luật hòa giải ở cơ sở quy định như sau:

1. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

- Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; 

- Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:

Không bị khởi tố vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

- Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính;

- Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

2. Không hòa giải các trường hợp sau đây:

- Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

       - Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các hành vi vi phạm pháp luật hình sự thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại, mà người bị hại đồng ý hòa giải, không yêu cầu khởi tố.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp đủ điều kiện áp dụng các biện pháp xủa lý hành chính khác thay thế  như nhắc nhở, uản lý tại gia đình theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

      - Các mâu thuẫn, tranh chấp về thương mại; tranh chấp về lao động thuộc phạm vi hòa giải của pháp luật về kinh doanh thương mại, pháp luật về lao động.


Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của những hộ dân cư trú tại thôn Ngọc Trí và Ngọc Quyến, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia về việc không đồng ý xây dựng khu tái định cư, dân cư thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia.

Trong nội dung đơn của các hộ dân, phần nơi gửi đã gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết là UBND huyện Bình Gia.

  • Từ khóa