Trả lời bạn xem truyền hình ngày 13/08/2024

Thứ 3, 13.08.2024 | 14:44:43
1,462 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Lương Trung Kiên trú tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng hỏi: Những người nào được quyền yêu cầu bồi thường oan sai do người thi hành công vụ gây ra, nhà nước bồi thường người bị oan sai trong những trường hợp nào? 

Trả lời:

Người bị oan sai được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường cho những tổn hại về tinh thần và vật chất mà mình phải chịu. 

Theo Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định người thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, tổ chức thừa kế quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật… có quyền yêu cầu bồi thường.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường

Nhà nước bồi thường trong trường hợp sau:

Theo điều 18, nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp:

 - Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ.

 - Người bị bắt, bị tạm giữ mà có quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

- Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, bị kết án tử hình, đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

- Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù được xác định không phạm tội.

- Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan…


Câu 2. Ông Mai Văn Hùng trú tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng hỏi: Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã gồm những thủ tục gì? việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 636 Bộ luật Dân sự,việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:

- Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

- Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

 Theo Điều 640 Bộ luật Dân sự,người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.


Câu 3. Ông Hứa Hải Minh, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Những hành vi nào bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội?

Trả lời: Tại Điều 8 của Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm cụ thể như sau:

1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:

a) Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.


Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của những ông (bà) có tên sau:

1. Đơn của bà Lý Thị Thiệp trú tại thôn Yên Thủy II, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc về việc mẫu thuẫn trong tranh chấp đất rừng giữa gia đình bà và nhà ông Vân cùng thôn. Bà không đồng ý với việc hòa giải của UBND xã Yên Trạch.

Đơn của bà chúng tôi đã chuyển đến UBND xã Yên Trạch để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Nếu hòa giải không thành, các bên vẫn tiếp tục tranh chấp thì bà có thể thực hiện quyền khởi kiện, đề nghị Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

2. Đơn kiến nghị của bà Nguyễn Hồng Qúy và các hộ dân đang sinh sống phía trong ngõ 37, phố Phan Huy Trú, khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn về việc yêu cầu tạm dừng cấp phép xây dựng đối với gia đình ông Đại bà Dung và xác minh quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong nội dung đơn của bà phần nơi gửi đã gửi đến đúng những cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

  • Từ khóa