Những người thầy nặng lòng “gieo” chữ vùng cao Xứ Lạng

Thứ 7, 11.01.2020 | 17:52:00
1,496 lượt xem

Năm 1959, thực hiện Chủ chương của Đảng, Bác Hồ về việc điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác, đã có 890 giáo viên các tỉnh miền xuôi xung phong lên công tác ở miền núi, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, sau 60 năm kể từ thời điểm ấy, rất nhiều nhà giáo miền xuôi đã vượt qua muôn vàn khó khăn, miệt mài “gieo” con chữ, đưa ánh sáng tri thức đến với người dân vùng cao Xứ Lạng. Nhiều thầy cô chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trải qua nhiều năm chiến tranh, việc phát triển văn hóa giáo dục ở miền núi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu giáo viên trầm trọng. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau ngày người đi thăm Sơn La, ngày 15/8/1959, Chính phủ ban hành Thông tư số 3116 –A7 về việc điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và góp phần phát triển văn hóa giáo dục miền núi. Trong thông tư ghi rõ: “Giáo viên các cấp lên miền núi là để làm cho các tỉnh miền núi có thêm nhiều thầy giáo để đẩy mạnh phát triển giáo dục, làm cho đồng bào và thanh thiếu niên miền núi có chỗ học và được đi học. Việc đưa giáo viên lên miền núi hàng loạt để phục vụ đồng bào dân tộc ngoài việc nâng cao trình độ văn hóa còn có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng vì đồng bào sẽ nhận thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ mà ra sức học tập, sản xuất, góp phần tích cực xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng quà tri ân các thầy, cô giáo miền xuôi lên công tác tại Lạng Sơn


Lạng Sơn là một trong nhiều tỉnh miền núi – là điểm đến của các thầy cô giáo miền xuôi xung phong lên miền núi công tác theo thông tư ấy. Các thầy, cô giáo xung phong lên Lạng Sơn khi ấy có thể kể đến như thầy: Lưu Đức Tiến dạy Trường Trung cấp Sư phạm; thầy Tạ Quang Minh dạy lớp vỡ lòng ở Hữu Lũng; cô Dương Thị Minh dạy cấp 1 – 2 ở Nhân Lý (Chi Lăng); thầy Lã Trung Dung dạy tiểu học ở Thất Khê, (Tràng Định); thầy Lê Bá Nhuần dạy học ở Chi Lăng; thầy Lê Thanh Thiện, dạy học ở huyện Đình Lập; hay các thầy: Phan Lạc Tước, Tô Quốc Khánh, Hoàng Đình Chuật, Nguyễn Thái Sơn,… là những chàng trai, cô gái miền xuôi sẵn sàng lên đường đến với bản làng miền núi Xứ Lạng.

Khó nói hết những khó khăn trong những ngày đầu tiên ấy, bởi 60 năm về trước, Lạng Sơn vẫn là nơi rừng thiêng nước độc, dân số thưa thớt, bản làng xa xôi, thú dữ rình rập. Các thầy cô không chỉ vượt lên những khó khăn về vật chất mà còn phải vượt qua những nỗi buồn tinh thần phải xa những người thân, gia đình. Nhớ lại, thầy Lê Thanh Thiện – một trong các giáo viên miền xuôi lên Lạng Sơn dạy học khi ấy chia sẻ: Điểm trường đầu tiên tôi đặt chân đến là điểm trường Đồng Khoang, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập. Ngày đầu đến với vùng đất mới hoang vu, xung quanh chỉ toàn núi rừng, đìu hiu và buồn. Nhưng yêu nghề, mến trẻ, muốn được mang con chữ đến với các em người dân tộc vùng cao, tôi đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với bản làng, học trò vùng cao. Thầy có làm bài thơ: “Ngày mới ra trường, vào Khuổi tà/Là nơi buồn vắng, xã Bắc Xa/Điện đường chưa có, trường ẩm thấp/ Phải dạy lớp ghép, chỉ mình ta/Nhớ nhà, nhớ bạn, buồn đến khóc/ Nơi ăn, nơi ở, với cụ già”.

Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức trong một giờ học tại Trường THPT chuyên Chu Văn An


Nhớ lời dặn dò, động viên của Bác Hồ trước lúc lên đường: “Công tác ở miền núi có nhiều khó khăn, các cô, các chú xung phong gánh lấy những khó khăn để làm công tác giáo dục ở miền núi, thế là tốt, là vẻ vang. Nhưng các cô, các chú cần xung phong đến nơi, đến chốn. Cần có tinh thần bền bỉ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”, từ những trường học không cơ sở vật chất, không học sinh, các thầy cô đã làm nên điều kỳ diệu từ bàn tay, khối óc nhiệt tình và trái tim yêu nghề mến trẻ. Không có lớp thì tự vào rừng chặt cây, làm tranh tre về dựng lớp; không có học sinh thì miệt mài lặn lội đến từng nhà dân vận động, tự học tiếng dân tộc để giao tiếp với bà con. Những lớp học đong đầy tình yêu thương đã ra đời như thế.

Từ những bài giảng của các thầy, cô, bao lớp học trò còn mãi ghi trong lòng hình ảnh người thầy tâm huyết, trách nhiệm, thương yêu học trò. Thầy Nguyễn Thái Sơn chia sẻ: Là một chàng trai Hà Nội đến Lạng Sơn khi tuổi tròn 20 với bao hoài bão, ước mơ, lòng nhiệt huyết, tôi đã gắn bó 40 năm với Trường THPT Hữu Lũng, truyền dạy tri thức cho học trò vùng cao Xứ Lạng. Đến nay, tôi đã coi Lạng Sơn là quê hương thứ hai, là máu thịt để thầy gắn bó trọn đời.

Chỉ trong vòng hơn 10 năm, từ 1959 đến 1970, theo con số thống kê chưa đầy đủ đã có hàng trăm thầy cô giáo từ miền xuôi lên Lạng Sơn dạy học. Đến nay, 60 năm trôi qua, các thầy, cô giờ đây hầu hết đã ở tuổi 80, có người hơn người ít. Mặc dù thời gian đã lùi xa, nhiều điều đã thay đổi nhưng có một điều vẫn mãi được ghi nhận: các thầy cô giáo từ miền xuôi lên xây dựng giáo dục miền núi là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền giáo dục mới, góp phần tạo nên những thành tích quan trọng hôm nay cho giáo dục tỉnh Lạng Sơn.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu trong buổi gặp gỡ tri ân các giáo viên miền xuôi lên công tác tại miền núi cho biết: Tính đến nay, khi đã tròn 60 năm, có thể chúng ta cũng chưa thể thống kê hết có bao nhiêu thầy, cô đã từ các tỉnh miền xuôi lên gieo chữ, thắp ánh sáng văn hóa trên đất Lạng Sơn và trong số đó có bao nhiêu thầy cô giáo chọn Lạng Sơn là quê hương thứ hai của mình. Nhưng có một điều chắc chắn là các thế hệ học trò vẫn còn nhớ mãi, đó là những hình ảnh của thầy cô, nhờ tri thức thầy cô trao mà bao thế hệ học trò con em các dân tộc Xứ Lạng được cất cánh, trưởng thành.
Hiện nay, các thầy, cô giáo miền xuôi lên Lạng Sơn công tác không còn vất vả như trước. Trường lớp đã khang trang; hầu hết các trường đều có khu tập thể cho các thầy, cô xa nhà; giao thông đi lại thuận tiện; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Các thầy cô giáo có trình độ cao lên Lạng Sơn công tác còn được hưởng trợ cấp thu hút của tỉnh. Tất cả những điều đó đã giúp các thầy, cô yên tâm công tác và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc đầu tư cho công tác giảng dạy.

baolangson.vn/giao-duc/262900-nhung-nguoi-thay-nang-long-gieo-chu-vung-cao-xu-lang.html

Theo baolangson.vn

  • Từ khóa