Xung đột giữa Mỹ và Iran mở ra “cơ hội vàng” cho Nga tại Trung Đông

Thứ 7, 11.01.2020 | 08:04:00
486 lượt xem

Xung đột giữa Mỹ và Iran dễ gây rủi ro cho những tính toán của Nga nhưng cũng mang lại cho ông Putin cơ hội mới để đạt được mục tiêu lâu dài.

Kể từ khi can thiệp vào cuộc nội chiến Syria năm 2015 theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al Assad, Nga đã tìm cách trở thành một nhân tố chính tại Trung Đông, thiết lập vai trò trung gian hòa giải và tạo dựng mối quan hệ tốt với tất cả các quốc gia đang đối đầu nhau trong khu vực. Giờ đây Moscow tiếp tục có cơ hội để củng cố uy tín của nước này.

xung dot giua my va iran mo ra
Tổng thống Nga Putin vag Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Foreign Policy.


Hai mục tiêu chính của Tổng thống Putin

Theo giới phân tích, Tổng thống Nga Putin chắc chắn sẽ xem xét tăng cường vị thế của Nga ở Trung Đông sau vụ Mỹ sát hại Tướng Iran Qassem Soleimani tuần trước và vụ Iran nã tên lửa tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq hôm 8/1 - những diễn biến mới đã làm “chao đảo” tình hình Trung Đông, đẩy Washington và Tehran tới bờ vực chiến tranh. Căng thẳng leo thang dễ gây rủi ro cho những tính toán của Nga trong khu vực nhưng điều này cũng mang lại cho ông Putin các cơ hội mới để đạt được hai mục tiêu lâu dài là làm giảm vị thế của Mỹ và mở rộng dấu ấn của Nga trên khắp Trung Đông.

“Tổng thống Putin coi việc đẩy lùi chủ nghĩa đơn phương của Mỹ là một sứ mệnh cá nhân. Do đó ông sẽ tìm cách tận dụng mọi thời cơ, chẳng hạn như vụ sám sát Tướng Soleimani hay bất cứ vấn đề bất ổn nào, để làm giảm uy tín của Mỹ trong khu vực”, chuyên gia Andrea Kendall-Taylor, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận xét.

Moscow đã thực hiện hàng loạt động thái ngoại giao sau vụ không kích sát hại tướng Soelimani. Trong cuộc điện đàm với những người đồng cấp Mỹ, Iran, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên án hành động của Mỹ, coi đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế. Hôm 8/1, trong lúc tin tức về việc Iran phóng loạt tên lửa tấn công hai căn cứ quân sự của Mỹ được đưa rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm Damascus để gặp Tổng thống Bashar al-Assad, nhằm sốc lại cam kết bảo trợ mà Nga dành cho Syria.

Anna Borshchevskaya, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Chính sách Cận Đông của Washington đánh giá:“ Thẻ bài tốt nhất của ông Putin là đóng vai trò trung gian hòa giải. Tôi cho rằng Nga hiện giờ vẫn đang ở chế độ “chờ đợi và quan sát”. Nếu họ làm điều gì đó quan trọng thì đây sẽ là hành động về mặt ngoại giao”.

Hôm 9/1, Tổng thống Putin đã tới thành phố Istanbul để gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhằm thảo luận về tình hình leo thang căng thẳng tại Trung Đông. Mặc dù không thường xuyên có chung quan điểm về tương lai của khu vực, nhưng hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, chẳng hạn như thỏa thuận ngừng giao tranh tại đông bắc Syria năm 2019, sau khi chính phủ Mỹ bất ngờ rút quân khỏi quốc gia này. Ngày 11/1, ông Putin sẽ tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Moscow để bàn về cuộc khủng hoảng tại Trung Đông. Cả Nga và Đức đều nằm trong số những quốc gia tìm cách bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Phép thử đối với Nga

Có ý kiến cho rằng, vụ sát hại Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran tại sân bay Baghdad ngày 3/1 là phép thử đối với khả năng của Moscow trong việc thiết lập quan hệ bằng hữu với quốc gia trong khu vực. Nga và Iran đã phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong những năm gần đây, cùng nhau hành động tại Syria để giúp cán cân quyền lực nghiêng về phía chính quyền Tổng thống al-Assad. Bất chấp việc chia sẻ những lợi ích chung với Tehran, Moscow cùng lúc theo đuổi quan hệ hợp tác với Israel và Saudi Arabia – hai đối thủ chính của Iran, và các bên khác trong khu vực.

“Nga đang nỗ lực thực hiện vai trò là nhân tố đáng tin cậy và ổn định tại Trung Đông. Điều này chắc chắn sẽ giúp ích cho họ. Tuy nhiên, Moscow cũng rất lo ngại tình hình hiện nay và sẽ tìm cách né tránh các cuộc xung đột nhiều nhất có thể ”, Julia Sveshnikova, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm PIR của Moscow đánh giá.

Theo nhà phân tích này, quyết định của chính quyền ông Trump ám sát nhân vật quyền lực thứ 2 tại Iran khiến nhiều quốc gia trên thế giới bất ngờ và làm giảm uy tín của Mỹ tại Trung Đông, tạo ra một bối cảnh mới mà Nga chắc chắn sẽ tìm cách tận dụng. Điện Kremlin từ lâu được cho là rất “lão luyện” trong việc khai thác các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới để thúc đẩy những mục tiêu chiến lược của mình, từ Ukraine đến Bắc Phi tới Syria, nhà phân tích Julia Sveshnikova nhấn mạnh.

Mỹ đã gây tổn hại cho Nga bằng các biện pháp trừng phạt liên quan đến tình hình tại miền đông Ukraine và sự kiện sáp nhập Bán đảo Crimea, nhưng Điện Kremlin từ lâu chỉ ra rằng các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan là bằng chứng cho thấy “bản chất thực” của Mỹ. Nga nhiều khả năng sẽ viện dẫn vụ sát hại Tướng Soleimani và việc Tổng thống Trump kêu gọi tấn công vào các địa điểm văn hóa của Iran làm bằng chứng cho thấy sự “hiếu chiến” của Mỹ, trong khi đó Moscow tiếp tục thực hiện vai trò trung gian hòa giải mạnh mẽ trong khu vực.

Mặc dù nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực hoan nghênh quyết định tấn công Tướng Iran Soleimani song một số đồng minh lại lo sợ họ sẽ phải gánh chịu sự trả thù của Iran. Nỗi sợ hãi này đã được xoa dịu đôi chút khi Iran đáp trả bằng cách đáp trả chừng mực. Báo cáo ban đầu cho thấy không có thương vong ở phía Mỹ và cả hai bên đều tỏ dấu hiệu muốn hạ nhiệt tình hình. Các đồng minh của Mỹ có thể “thở phào nhẹ nhõm”, tuy nhiên nếu họ kết luận rằng Washington đã để họ ở tình thế dễ tổn thương trước sự đáp trả của Iran thì điều này sẽ khuyến khích họ xoay trục về phía Moscow tìm đến sự hòa giải trong tương lai.

Những bước đi thận trọng

Thời điểm những tháng cuối cùng của năm 2019 được đánh dấu bằng loạt cuộc biểu tình phản đối ảnh hưởng của Iran tại Iraq và Lebanon, và trong giai đoạn đó, dường như vị thế của Tehran trong khu vực đã bắt đầu lung lay. Tuy nhiên cuộc không kích bằng tên lửa ngày 3/1 của Mỹ đã làm dấy lên làn sóng phản đối Washington ở Trung Đông, một sự thay đổi chắc chắn sẽ khiến Nga hài lòng.

Giáo sư Mark N. Katz, trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason nói rằng: “Tổng thống Putin có lẽ muốn xảy ra một làn sóng phản đối Mỹ ở Trung Đông nhưng Nga không thể tự mình thực hiện điều này. Và ông Trump đã làm điều đó cho ông Putin”.

Mặt dù sự hiện diện quân sự chính thống của Nga tại Iraq là điều khó xảy ra, một số nhà phân tích suy đoán rằng, lực lượng ủy nhiệm của Nga sẽ xuất hiện tại Iraq sau khi Mỹ rút quân. Vai trò tương lai của quân đội Mỹ tại Iraq vẫn còn bỏ ngỏ khi Tướng William Seely – chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Iraq nói rằng Bộ Quốc phòng sẽ tôn trọng quyết định của Quốc hội Iraq kêu gọi quân đội Mỹ rời khỏi nước này.

Theo giới phân tích, Nga đang có những bước đi thận trọng sau vụ sát hại Tướng Soleimani và các phản ứng tiếp theo của Mỹ và Iran. Bất chấp việc lên án hành động của Mỹ, Nga đã không cam kết thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào để hỗ trợ Tehran. Các nhà phân tích cho biết, ông Putin khó có thể ủng hộ bất cứ nỗ lực trả đũa nào của Iran và có thể bị hạn chế trong cách thức hỗ trợ Iran.

Adlan Margoev, nhà phân tích quan hệ Nga-Iran tại Viện Quan hệ quốc tế Moscow cho rằng, mối quan tâm chính của Điện Kremlin là ngăn chặn sự leo thang căng thẳng có nguy cơ đảo ngược tình hình địa chính trị tại Trung Đông vốn đang theo chiều hướng có lợi cho nước này, đồng thời giữ vững mục tiêu mà Tổng thống Putin đặt ra về đảm bảo các lợi ích của Nga trong khu vực./.

vov.vn/the-gioi/quan-sat/xung-dot-giua-my-va-iran-mo-ra-co-hoi-vang-cho-nga-tai-trung-dong-999196.vov

Theo Hồng Anh/VOV.VN

  • Từ khóa