Phong trào Đồng khởi - 60 năm nhìn lại

Thứ 6, 17.01.2020 | 10:01:45
942 lượt xem

Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu; có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.                                

Minh họa triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng tại xã Minh Đức ngày 2/1/1960. Ảnh Bảo tàng tỉnh Bến Tre chụp tại Di tích Đồng khởi huyện Mỏ Cày.


60 năm trước, năm 1960, phong trào quần chúng đồng lòng đứng lên khởi nghĩa đánh Mỹ -Diệm ở 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre) đã nổ ra. Từ nơi đó, ngọn lửa quật khởi lan nhanh ra toàn tỉnh, toàn khu, toàn miền với sức mạnh “long trời lở đất” không gì dập tắt được.

Trong hồi ký Không còn con đường nào khác, bà Nguyễn Thị Định (Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre năm 1959-1960) ghi rõ, cuộc họp 3 ngày (từ 1 đến 3/1/1960) tại xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, Tỉnh ủy đã quyết định “phát động một tuần lễ toàn dân nổi dậy đồng lòng, đồng loạt diệt ác phá kềm kẹp giành quyền làm chủ ở nông thôn”.

Ngày 17/1/1960, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la hòa vào tiếng hô vang của nhân dân quật khởi từ tâm điểm Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, loang nhanh ra toàn huyện Mỏ Cày; và như sóng thần lan rộng sang Minh Tân, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Châu Thành rồi tràn khắp Bến Tre ra Nam Bộ…

Thực tế lúc đó tại miền Nam sau Hiệp định Geneva (1954), Mỹ-Diệm đã “đẩy cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, đặt “miền Nam trong tình trạng chiến tranh” và thực hiện “Thà giết lầm chứ không bỏ sót”; mâu thuẫn giữa đại bộ phận nhân dân với chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên sâu sắc và đối kháng quyết liệt, đòi hỏi phải giải quyết bằng con đường cách mạng bạo lực. 

Rõ ràng là từ năm 1956, “để chống lại Mỹ-Diệm, nhân dân miền Nam chỉ có con đường cứu nước và tự cứu mình, là con đường cách mạng. Ngoài con đường cách mạng không có một con đường khác”. Nghị quyết Hội nghị 15 của Trung ương năm 1959 đã chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Theo đó, quần chúng nhân dân từ các xã, ấp được vận động tổ chức tham gia vào tất cả các hoạt động nổi dậy diệt ác, phá kìm, diệt tề, trừ gian, lấy các “Tổ hành động” trong nhân dân làm nòng cốt hành động theo khẩu hiệu “Đánh phải đánh tới tấp; Phát triển phải phát triển hết khả năng không hạn chế; Khi sóng gió nổi lên thuyền phải căng buồm lướt sóng”.

Đồng chí Lê Duẩn trong thư Gửi anh Mười Cúc và Xứ ủy Nam Bộ ngày 20/4/1961, viết: “Dùng lực lượng chính trị của quần chúng là chính, phối hợp với lực lượng quân sự ban đầu của nhân dân, phát động cao trào cách mạng, phá thế kìm kẹp, hạ uy thế của địch, làm lay chuyển và tan rã ngụy quyền ở thôn, xã. Từ đó tiến lên phát triển lực lượng chính trị và quân sự của nhân dân,, giành lấy chính quyền ở thôn, xã, lập ra hình thức tự quản của quần chúng để giải quyết một số yêu cầu bức thiết về chính trị và kinh tế, đồng thời giữ thế hợp pháp của nhân dân đối với địch”. Đó thực chất là “những cuộc khởi nghĩa từng phần… là kết quả của phong trào đấu tranh chính trị lâu dài, quyết liệt của quần chúng”.

Những cuộc khởi nghĩa từng phần ấy nổ ra vào lúc cách mạng ở miền Nam bị tổn thất nặng nề sau 6 năm đấu tranh thi hành Hiệp định Geneva 1954; còn địch đã nhanh chóng xây dựng hoàn chỉnh chế độ thực dân mới với đầy đủ các công cụ chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa. Đó hoàn toàn không phải một sự “ăn may” nào của bên này, hay “sai lầm” nào đó của bên kia, cũng không nên hiểu theo logic giản đơn của tình trạng “tức nước vỡ bờ” mà “đó chỉ có thể là kết quả của phong trào đấu tranh chính trị lâu dài, quyết liệt của quần chúng, của một phong trào cách mạng sâu rộng”. 

Như vậy những cuộc khởi nghĩa nổ ra đồng loạt ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1960, đã kiểm chứng sáng rõ khái niệm bạo lực cách mạng như học thuyết Marx-Lenin đã chỉ dẫn: “Chỉ có thể coi là bạo lực những hành động cách mạng của quần chúng ngoài pháp luật Nhà nước của giai cấp thống trị nhằm mục đích trực tiếp đánh đổ chính quyền của bọn thống trị, giành chính quyền về tay nhân dân”. 

Về bản chất, những cuộc khởi nghĩa từng phần theo hình thái là vũ trang tự vệ diệt ác phá kìm, là phong trào quần chúng được phát động và tổ chức chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của cơ sở Đảng tại chỗ, diễn ra đồng loạt, với ý chí quyết tâm đồng lòng nổi dậy. Kết quả của những cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra đồng loạt ấy không chỉ bóc đi từng mảng lớn trong hệ thống chính quyền địch ở cơ sở, mà còn tạo ra tiền đề cho xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân từ các địa phương.

Khởi nghĩa từng phần ở Bến Tre và miền Nam năm 1960 không phát triển thành tổng khởi nghĩa như trong cách mạng tháng Tám 1945 mà đã tạo ra tiền đề cần thiết và tất yếu để chuyển sang chiến tranh cách mạng, đưa cách mạng sang thế chiến lược tiến công. 

Từ thực tế Mỏ Cày và toàn tỉnh Bến Tre, “Đội quân tóc dài” đi vào huyền thoại, “Tản cư ngược” trở thành chiến thuật độc đáo, đấu tranh “Hai chân, ba mũi” trở thành phương châm chiến lược chung cho toàn miền. 

Đồng khởi là bước phát triển nhảy vọt, khởi đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Bến Tre không chỉ là nơi khởi điểm và điển hình hóa con đường phát triển của cách mạng miền Nam trong hoàn cảnh mới trước khi bước vào 15 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau Đồng khởi mà còn là nơi sáng tạo nội dung, cách thức, phương thức rất cơ bản có đầy đủ cơ sở thực tiễn và lý luận cho sự phát triển đến thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ ấy. 

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại tỉnh Bến Tre (năm 1982), Đại tướng Hoàng Văn Thái kết luận: "Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre là một cao trào cách mạng”, “là sản phẩm đầu tiên của Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháo gỡ mọi ràng buộc, chắp cánh cho quần chúng đứng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng”; “Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu; nó đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung”.

Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân trong Đồng khởi 60 năm trước được nhà thơ Tố Hữu diễn tả trong bài thơ “Lá thư Bến Tre” thật sôi động: “Người sống đi cùng người chết đây/Tử sinh một dạ, trả thù này/Võ trang mấy trận, vang Bình Đại/Cờ phất, bừng tươi đất Mỏ Cày”.

Từ ấy Bến Tre cùng toàn Nam Bộ “tử sinh một dạ” bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, tiếp tục đồng lòng tiến công và nổi dậy bằng cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, sử dụng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận) trên cả ba vùng chiến lược (nông thôn đồng bằng, rừng núi và đô thị) lần lượt chống các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến lược chiến tranh cục bộ, đến chiến lược chiến tranh Việt Nam hóa. 

Ý chí quyết tâm đồng lòng đấu tranh đồng loạt trong sức mạnh quật khởi tiếp tục “bừng tươi” trong Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tấn công tổng hợp trong và sau xuân hè 1972, tổng tấn công và nổi dậy trong mùa xuân 1975 kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Đồng khởi không chỉ là sáng tạo độc đáo trong hành trình kháng chiến cứu nước, tinh thần đồng khởi vẫn là sức mạnh truyền thống quan trọng được dấy lên trong suốt hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thời gian càng lùi xa càng thấy rõ hơn giá trị lịch sử của sự kiện khởi đầu ấy, lại càng tin tưởng vào nhân dân một khi đã quật khởi, đều làm nên sức mạnh thần kỳ.

Theo chinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Phong-trao-Dong-khoi-60-nam-nhin-lai/385033.vgp

  • Từ khóa