Giáp Tết, lực lượng chức năng gồng mình chống buôn lậu

Chủ nhật, 19.01.2020 | 17:52:53
911 lượt xem

Tại khu vực giáp ranh của tỉnh An Giang với Campuchia, đầu nậu đã lợi dụng nhiều tuyến kênh, rạch và đường mòn để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, do nhu cầu tiêu thụ về hàng hóa tăng cao, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang diễn biến phức tạp, nhất là hai mặt hàng thuốc lá và đường. Mặc dù ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp ngăn chặn tuy nhiên, các đầu nậu vẫn dùng đủ mọi phương thức với những thủ đoạn tinh vi… để chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa khiến các lực lượng chức năng phải gồng mình đối phó.

Tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương của tỉnh An Giang với Campuchia, đầu nậu đã lợi dụng nhiều tuyến kênh, rạch và đường mòn để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu về Việt Nam; Phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, các đối tượng buôn lậu tổ chức đường dây hoạt động rất chặt chẽ, chuyên nghiệp; sử dụng mọi loại phương tiện để vận chuyển hàng lậu. Mới đây, chỉ trong một ngày 13/1, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Bộ đội biên phòng An Giang liên tiếp bắt 3 vụ buôn lậu, thu giữ số lượng hàng hóa lớn, trị giá hơn 50 triệu đồng.

giap tet, luc luong chuc nang gong minh chong buon lau hinh 1
Thuốc lá buôn lậu qua biên giới.


Theo Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội biên phòng An Giang, tình hình buôn lậu thời điểm cuối năm này có điểm khác biệt so với thời điểm cuối năm ngoái; đa phần các đối tượng buôn lậu hoạt động có tổ chức và đưa hàng qua biên giới với số lượng lớn. Để đảm bảo hàng hóa được an toàn trong quá trình vận chuyển, các đầu nậu tổ chức cho người theo dõi lực lượng chức năng, “canh” đường đi rất thận trọng; thuê người dân nghèo, người không có công ăn việc làm, quen với địa hình để đai vác hàng qua biên giới bằng đường mòn, đồng ruộng, kênh rạch, rồi dùng xe gắn máy chạy với tốc độ cao vận chuyển vào nội địa.

Quá trình vận chuyển, bị lực lượng chức năng bắt thì người vận chuyển phải tự nhận và tự chịu trách nhiệm, không khai báo người cầm đầu. Đây là thủ đoạn khiến công tác phòng, chống buôn lậu gặp không ít khó khăn.

“Nếu lực lượng đi sớm quá thì bị lộ, thường đối tượng buôn lậu đi mạnh nhất là từ 21h - 3h sáng, lúc đó trời tối, trên đồng ruộng có tiếng động gì là chúng phát hiện ra liền. Riêng năm nay là 3 vụ chống người thi hành công vụ, 2 vụ đe dọa qua điện thoại. Đối tượng vận chuyển thuê công ngày vài trăm nghìn đồng, nếu mất một thùng thuốc thì phải đề cho chủ là 5 triệu đồng” - Đại tá Lý Kế Tùng cho biết.

giap tet, luc luong chuc nang gong minh chong buon lau hinh 2
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các đường mòn, lối mở.


Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, năm 2019, tình hình buôn lậu đường cát tăng 160% so với năm ngoái. Đặc biệt trong tháng 11 và 12/2019, lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh đã phối hợp triệt xóa hàng chục vụ, bắt giữ nhiều tang vật và phương tiện vận chuyển hàng lậu. Điển hình ngày 4 và 21/11, lực lượng chức năng đã bắt 2 vụ vận chuyển đường cát Thái Lan, với tổng 12 tấn; tất cả số đường này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Ngày 22/11/2019, các lực lượng chức năng đã khám xét kho chứa hàng hóa của Công ty TNHH Di Thạnh (thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc) phát hiện tại đây có 517.450 kg đường cát. Mặc dù, Công ty này xuất trình hóa đơn chứng từ, nhưng qua kiểm tra, xác minh, lực lượng chức năng đã xác định, đây là đường dây buôn lậu có tổ chức.

Thủ đoạn của các đối tượng này là mua đường từ Campuchia rồi thay bao bì, nhãn mác tiếng Việt Nam ngay bên kia biên giới, sau đó tổ chức phân phối nhỏ lẻ và đưa về kho để mang đi tiêu thụ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lý Việt Thái, Trưởng phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan An Giang cho biết: “Đối với mặt hàng đường cát, các thủ đoạn phổ biến hiện nay là: Thay đổi bao bì ngay tại Campuchia, sử dụng các bao bì của Việt Nam để vận chuyển đường về Việt Nam. Ngoài ra còn vận chuyển về các cơ sở sản xuất đường phèn và đường thốt nốt, tại các khu vực các xã biên giới, các đối tượng vận chuyển về đây và dùng đường Thái Lan làm nguyên liệu để sản xuất ra đường phèn, hợp thức hóa để tiêu thụ trong nước.”

Ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban chỉ đạo 389 cho biết, để triển khai có hiệu quả kế hoạch cao điểm, phòng chống buôn lậu trước và sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng cần phải nghiêm túc đánh giá đúng, khách quan thực trạng tình hình hiện nay; đồng thời, yêu cầu các lực lượng phòng chống buôn lậu nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu, kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu đơn vị, tuyệt đối không để xảy ra “điểm nóng” về buôn lậu trong địa bàn.

“Trong công tác phòng chống buôn lậu phải tăng cường thêm, trang bị phương tiện; Phát hiện xử lý nghiêm những đầu nậu, những người cầm đầu; Làm tốt công tác tư tưởng và giữ mình từ cán bộ, chiến sỹ cho đến những người cao nhất trong lực lượng phòng chống buôn lậu, không tiếp tay, không nhúng chàm. Phối hợp tốt giữa Công an, biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương, làm hết khả năng của mình trên địa bàn” - ông Lê Văn Nưng nói.

Để công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là thuốc lá và đường cát có hiệu quả, cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp các lực lượng liên ngành để tổ chức đấu tranh chống các tổ chức buôn lậu quy mô lớn và các đối tượng buôn lậu tinh vi có tổ chức. Đồng thời, các lực lượng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho bà con./.

Văn Ánh/VOV-ĐBSCL

https://vov.vn/kinh-te/giap-tet-luc-luong-chuc-nang-gong-minh-chong-buon-lau-1001973.vov

  • Từ khóa