Lịch 'săn' hoa xuân ở vùng cao phía bắc

Thứ 3, 21.01.2020 | 17:07:17
647 lượt xem

Mùa xuân, khi Mộc Châu rợp trắng hoa mận, hoa mơ, Sa Pa và thung lũng Bắc Hà lại nhuộm hồng bởi hoa đào nở rộ.

Vào mùa xuân, các địa phương ở vùng núi phía bắc đón nhiều loài hoa khác nhau. Trong đó phải kể đến mùa hoa mận Mộc Châu, hoa ban Điện Biên và hoa đào Sa Pa. Các loài hoa này thường không nở đồng đều theo một thời gian nhất định mà phụ thuộc vào thời tiết. Vì vậy, du khách nên chọn đúng thời gian và địa điểm đẹp để ngắm hoa. Dưới đây là những kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Việt, 31 tuổi, HDV của Vietravel.

Những loài hoa nở theo từng vùng

Ở miền bắc nước ta đặc trưng nhất là hoa đào. Thông thường, loài hoa này nở rộ nhất vào dịp cận Tết Nguyên đán, nếu thời tiết mát mẻ. Ở các tỉnh, thành phố vùng cao, hoa nở trong khoảng hai tuần, lâu hơn so với đồng bằng.

Hoa đào nở trong các thung lũng ở Sa Pa. Ảnh: Thi/Shutterstock.

Hoa đào nở trong các thung lũng ở Sa Pa. Ảnh: Thi/Shutterstock.

Điểm đến gợi ý đầu tiên cho du khách là Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trong tiết trời se lạnh và mờ sương, những cành đào ở đây căng tràn nhựa sống, nhuộm thắm một vùng trời. Các địa điểm để ngắm hoa là con đường dọc thị trấn Sa Pa, núi Hàm Rồng, bản Tả Van, Tả Phìn hoặc dưới ga cáp treo. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm huyện Bắc Hà, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 100 km. Ở đây, thung lũng đã được quy hoạch để trồng hoa quanh năm, tuy nhiên mùa Tết sẽ chủ yếu là hoa đào. 

Cuối tháng 1, đầu tháng 2 là thời điểm hoa đào phai khoe sắc ở Hà Giang. Các cây hoa ở đây không được trồng tập trung theo cụm, mà mọc ven sườn núi, trải dài theo cung đường đèo qua Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc. Sắc hoa hòa chung với sự hoang sơ của núi rừng, mang đến vẻ đẹp tự nhiên và gần gũi. Người dân tộc ở Hà Giang cũng thường trồng cây đào trong sân hoặc bên cạnh hàng rào đá. Một số điểm ngắm hoa đẹp là Lũng Cú, Phó Bảng, Sủng Là... Ngoài hoa đào, mùa xuân Hà Giang cũng lần lượt đón hoa lê, hoa mận và hoa cải vào đầu tháng 3.

Dịp này cũng là mùa hoa mận, hoa mơ ở Mộc Châu, Sơn La. Khi những bông hoa li ti bắt đầu nở rộ, vườn cây mận tràn ngập sắc trắng tựa những đám mây. Điểm đến ngắm hoa mận thu hút du khách nhất là thung lũng Nà Ka, đồi mận phía sau rừng thông Bản Áng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến thung lũng mận Mu Náu và bản Thung Cuông. Trước đó vào khoảng tháng 11, 12, Thung Cuông cũng được có hoa cải trắng.

Những bông hoa mận nở thành từng chùm. Ảnh: Việt Nguyễn.

Những bông hoa mận nở thành từng chùm. Ảnh: Việt Nguyễn.

Tháng 3 và tháng 4 là thời điểm bắt đầu mùa hoa ban ở Điện Biên và Sơn La. Loài hoa này khi nở thường không có lá, từng bông trắng hoặc hồng xòe cánh to, rợp kín những cành cây. Ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, hoa ban được trồng dọc đại lộ Võ Nguyên Giáp. Còn ở thành phố Sơn La, du khách có thể ngắm hoa ở bất cứ đâu trong thành phố, đặc biệt là Thung lũng hoa ban, phường Quyết Thắng.

Lưu ý

Mùa xuân, ở vùng núi phía bắc thời tiết mát mẻ, lạnh về đêm. Du khách nên mang theo áo khoác, mũ giữ ấm phù hợp, đặc biệt những người di chuyển bằng xe máy. Ngoài ra, bạn nên mang theo giày thể thao, để dễ di chuyển trên địa hình dốc hoặc không bằng phẳng. Hai tháng đầu năm, ở Mộc Châu và Sa Pa có thể có mưa phùn nhẹ và sương mù, bạn nên mang theo ô khi ra ngoài. Một chiếc ô trong là gợi ý phù hợp để chụp ảnh.

Du khách cần thật cẩn thận khi di chuyển qua những đoạn đường đèo, đặc biệt là khi đi bằng xe máy. Ảnh: Việt Nguyễn.

Du khách cần cẩn thận khi di chuyển qua những đoạn đường đèo, đặc biệt là khi đi bằng xe máy. Ảnh: Việt Nguyễn.

Khi đi tham quan, du khách không nên cho trẻ em địa phương tiền và bánh kẹo. Nếu các em nhỏ bán hàng, bạn có thể ủng hộ. Ở một số khu chợ phiên hiện nay có nhiều mặt hàng nhập từ nơi khác về, vì vậy du khách nên kiểm tra kỹ chất lượng và tham khảo giá trước khi mua.

Vào các điểm trồng hoa, du khách không nên hái hay làm hỏng tiểu cảnh xung quanh. Trên đường đi cũng có một số điểm chụp ảnh có thu phí mà bạn cần để ý.

Lan Hương

https://vnexpress.net/du-lich/lich-san-hoa-xuan-o-vung-cao-phia-bac-4042484.html

  • Từ khóa