Trong tâm thức người Việt trong nước và ở nước ngoài, Tết cổ truyền dân tộc luôn là niềm nhớ khôn nguôi, là dịp mong mỏi được về đoàn tụ với gia đình.
Dù xa quê hương nhiều năm, họ vẫn không quên hương vị đặc biệt của ngày Tết. Đó là không khí sắp dọn bàn thờ, bày mâm ngũ quả, ra mộ thắp hương mời ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng gia đình; hay bữa cơm sum vầy chiều 30 tết đầm ấm bên mâm cơm tất niên, tiễn biệt năm cũ và chuẩn bị tâm thế bước sang một năm mới với mong ước nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình.
Ảnh minh họa. |
Chiều 30 tết, dù bận rộn với rất nhiều công việc, nhưng bà Đỗ Thị Lý ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định vẫn không quên đến nghĩa trang để thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo của các thế hệ con cháu với những người đã khuất; tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Thắp nén hương thơm trên các phần mộ người thân, mời ông bà, tổ tiên, mời về ăn Tết cùng gia đình.
Bà Đỗ Thị Lý chia sẻ: “Ngày 30 Tết, ngày cả năm con cháu vất vả, ngày đó tưởng nhớ đến tổ tiên. Có tổ tiên, ông bà mới có mình. Chúng tôi nhớ đến ngày, ra mộ để mời tất cả các cụ gia tiên về nhà để ăn tết với con cháu trong 3 ngày Tết”.
Ngày 30 Tết với mỗi người Việt còn thể hiện ở bữa cơm sum vầy đầm ấm khiến mỗi người con đi xa cảm thấy ấm lòng khi được đoàn tụ mỗi dịp tết đến, xuân về.
Bạn Đỗ Thị Biên Thùy, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trải lòng: “Đối với tôi bữa cơm ngày 30 Tết rất ý nghĩa. Thường trong năm tôi ít khi ở nhà, cho nên khoảnh khắc đoàn tụ gia đình rất hiếm hoi. Bữa cơm tất niên rất có ý nghĩa với tôi và có ý nghĩa với tất cả người Việt. Bữa cơm tất niên giúp cho những thành viên trong gia đình sum vầy với nhau, kể cho nhau nghe những chuyện năm cũ, cũng như cho nhau biết dự định tương lai, giúp cho thành viên gia đình gắn kết với nhau hơn”.
Đối với kiều bào ở nước ngoài, Tết cổ truyền dân tộc luôn là niềm nhớ khôn nguôi, là dịp mong mỏi được về quê đoàn tụ với gia đình. Dù xa quê hương nhiều năm, họ vẫn không quên mùi vị đặc biệt của ngày Tết, không khí bữa cơm chiều 30 tết.
Gần 20 năm định cư tại Đức, bà Nguyễn Thị Bình được đón Tết Nguyên đán tại quê nhà 2 lần. Với bà, nhớ nhất là không khí ngày Tết, những cảm giác sum vầy trong bữa cơm gia đình: “Những người con xa quê hương như chúng tôi bao giờ cũng để lại nhiều kỷ niệm, để lại bao nhiêu tình cảm trong gia đình. Cho nên nhất là những ngày Tết là ngày được sum họp cùng gia đình, cùng người thân. Nhớ nhất là được bố, mẹ cho đi lễ chiều 30 Tết. Nhất là giao thừa, khi sắp mâm cơm lên cúng trời đất rồi lại đến chùa lễ, hái lộc, xin may mắn về cho gia đình. Cho nên khi trở về nước tôi cảm thấy không khí ấm áp, cảm thấy tình cảm gắn bó mà thân thương”.
Với bà Vũ Thị Mai, sinh sống tại Vương Quốc Anh thì Tết cổ truyền của người Việt Nam có những nét đặc biệt không thay đổi theo thời gian, khiến đi đâu cũng thấy nhớ, đặc biệt bữa cơm chiều 30 là lúc đoàn tụ cả gia đình: “Mâm cơm chiều 30 rất là ý nghĩa. Khi tôi làm mâm cơm thì con cháu tập trung về để cùng cúng và sum vầy lại để nhớ lại cảnh tượng mà trước đây từng sống ở Việt Nam. Cho nên mâm cơm đó rất ấm áp. Năm nào tôi không về được quê hương, tôi lại sum vầy để con cháu nhớ về quê hương. Còn năm nào tôi về được quê hương tôi đón một năm mới rất vui và hạnh phúc”.
Bên mâm cơm tất niên, tiễn biệt năm cũ và chuẩn bị tâm thế bước sang một năm mới với mong ước nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình. Mâm cơm chiều 30 tết cũng là nét văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam khiến mỗi người con đi xa sẽ cảm thấy ấm lòng khi được đoàn tụ mỗi dịp tết đến, xuân về./.
Lại Hoa/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/tam-thuc-ngay-30-tet-voi-moi-nguoi-viet-1003217.vov