Lễ hội Chùa Tiên – Giếng Tiên: Nét văn hóa phi vật thể độc đáo của Xứ Lạng

Thứ 3, 27.02.2024 | 14:23:20
1,311 lượt xem

Lạng Sơn là vùng đất hội tụ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu ở cả vật thể và phi vật thể, trong đó không thể không nhắc tới lễ hội Chùa Tiên – Giếng Tiên. Đây là lễ hội chứa đựng nhiều lớp văn hóa độc đáo, tốt đẹp của Nhân dân Xứ Lạng. Năm 2024, lễ hội Chùa Tiên – Giếng Tiên được UBND thành phố lựa chọn là lễ hội điểm, với nhiều hoạt động mới, hấp dẫn.

Chùa Tiên – Giếng Tiên là cụm di tích bao hàm nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc với hệ thống các tích truyện dân gian, văn bia cổ, tượng thờ cổ… Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, chùa Tiên (Song Tiên Tự) được lập từ thời Lê Hồng Đức (khoảng từ năm 1460 – 1497). Khởi nguyên là một ngôi chùa nhỏ cạnh Giếng Tiên ở ngay sườn núi Đèo Giang – Văn Vỷ (cách cửa động chùa Tiên chừng 200 m). Tuy nhiên, vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, do bị hư hại, xuống cấp, chùa được chuyển vào trong động Song Tiên.

Giếng Tiên là một mạch nguồn nước mát tuôn ra từ lòng núi, dù miệng nguồn nước chỉ to bằng một chiếc bát lớn nhưng nước trong vắt không bao giờ cạn. Chiếc giếng này gắn với câu chuyện huyền thoại về Tiên ông đã ban cho dân làng Phja Luông dòng nước quý để trả ơn lũ trẻ chăn trâu đã nhường phần cơm ít ỏi của mình cho ông (dưới dạng một ông lão nghèo khổ). Miệng giếng chính là vết chân của Tiên ông giẫm xuống phiến đá mà thành.

Tiết mục nghệ thuật diễn lại tích truyện về sự tích Tiên ông ra tay cứu giúp người dân trong Lễ hội Chùa Tiên hằng năm

Lễ hội Chùa Tiên – Giếng Tiên được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng hằng năm. Đây là một trong lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, đông vui của người dân tỉnh Lạng Sơn, là dịp cho du khách đến tham quan, chiêm bái, thưởng ngoạn, góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh con người xứ Lạng đến với bạn bè du khách trong và ngoài tỉnh.

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Lễ hội Chùa Tiên xuất phát từ tín ngưỡng thờ đá và thờ nguồn nước của cư dân nông nghiệp. Đây là một trong những mô típ hình thành lễ hội rất phổ biến ở Việt Nam gắn với sự tích Tiên ông ra tay cứu giúp người dân trong vùng có nước trong giếng Tiên, thoát khỏi nạn đại hạn.

Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa, vào năm trời hạn hán đến nỗi sông Kỳ Cùng cũng cạn nước, đất đai nứt nẻ, cỏ cây héo khô, ruộng đồng xơ xác, dân làng Phja Luông không có nước dùng. Bữa nọ, một bầy trẻ chăn trâu trong làng gặp một cụ già ăn mặc xềnh xoàng, dáng vẻ mệt mỏi đến gặp chúng xin ăn, lũ trẻ vui vẻ chia phần cơm của chúng cho ông cụ và thành thực nói rằng: chúng cháu chỉ có cơm cho cụ ăn nhưng chẳng biết lấy gì mời cụ uống vì lâu nay làng đã không có nước. Cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của lũ trẻ, vừa nhận cơm xong, cụ già liền lấy gót chân giẫm xuống tảng đá, lập tức một dòng nước ngọt trong vắt phun lên. Từ đó, dân làng Phja Luông có đủ nước dùng. Sau này, người dân địa phương cho rằng: cụ già đó chính là ông Tiên đã ra tay cứu giúp làng qua cơn hoạn nạn, nên gọi nguồn nước đó là Giếng Tiên. Sau này, người dân địa phương đã lập miếu thờ Tiên ngay cạnh giếng bên sườn đồi Đèo Giang – Văn Vỉ. Trải qua thăng trầm của thời gian nhân dân đã lập thành ngôi chùa và chuyển vào trong động Song Tiên để thờ tự. Lễ hội chùa tiên cũng ra đời từ đó.

Ngày nay, chùa Tiên là địa chỉ du lịch được nhiều người biết tới và thu hút rất đông Nhân dân và du khách tham quan, chiêm bái hằng năm, đặc biệt vào dịp lễ hội diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng hằng năm. Ngoài việc được tới chiêm ngưỡng nét nguyên sơ hiếm có của một hang động với những thạch nhũ kỳ ảo độc đáo, hội còn là nơi gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, nơi diễn ra các trò chơi, diễn xướng dân gian như: ô ăn quan, bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, múa sạp, hát Sli, lượn và những hoạt động mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống xứ Lạng.

Nhằm tạo điểm nhấn thu hút đông du khách đến với lễ hội Chùa Tiên, năm 2024 UBND thành phố Lạng Sơn đã lựa chọn lễ hội Chùa Tiên là lễ hội điểm của thành phố với nhiều hoạt động văn hoá – du lịch đặc sắc.

Để phát huy giá trị di tích Chùa Tiên, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã tiến hành tu bổ, lắp đặt một số hạng mục tại Chùa Tiên như: thay thế hai tượng Hộ Pháp tại cửa chùa, cung Sơn Trang, hệ thống biển báo, dòng chữ nổi tên di tích trên núi Đại Tượng, hệ thống đèn chiếu sáng trong động… với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Đặc biệt năm nay, UBND thành phố lựa chọn lễ hội Chùa Tiên là lễ hội điểm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm 2024, chúng tôi lựa chọn lễ hội Chùa Tiên là lễ hội điểm và phục dựng lại nghi lễ rước nước trong ngày chính hội nhằm ôn lại truyền thống tập tục, nét đẹp của quê hương và tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân. Để đảm bảo cho các hoạt động lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND phường Chi Lăng xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Đồng thời, phối hợp tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Được quan tâm đầu tư, tu bổ nên những năm gần đây, Chùa Tiên đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi tới Xứ Lạng. Chị Hoàng Minh Nguyệt, du khách đến từ Hưng Yên đến tham quan tại Chùa Tiên chia sẻ: Tôi đã nhiều lần đến với Lạng Sơn, mỗi lần như vậy tôi đều đến các điểm du lịch tín ngưỡng để thăm quan, trong đó có Chùa Tiên và Giếng Tiên. Đây là nơi rất đẹp và linh thiêng. Năm nay tới đây tôi rất ấn tượng vì thấy Chùa Tiên được đầu tư khang trang, đẹp hơn, được nghe quảng bá về lễ hội nên tôi đã sắp xếp thời gian để tham dự.

Để lễ hội Chùa Tiên diễn ra thành công tốt đẹp, UBND phường Chi Lăng đã ban hành kế hoạch, chương trình tổ chức lễ hội, thành lập ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ lễ hội… Nhờ đó, các điều kiện về cơ sở vật chất và thực hiện trang trí cảnh quan không gian, sơ đồ bố trí khu vực gian hàng trưng bày sản phẩm của địa phương, khu vực tổ chức các trò chơi, các chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống như hát then, đàn tính, múa chầu phục vụ tối ngày 17 âm giao lưu nghệ thuật quần chúng và các tiết mục văn nghệ, tiết mục nghệ thuật diễn lại tích truyện về sự tích Tiên ông ra tay cứu giúp người dân trong sáng ngày 18 âm lịch năm Giáp Thìn đã được chuẩn bị chu đáo…

Với sự nỗ lực, chủ động của các cấp, ngành của thành phố, tin tưởng Lễ hội Chùa Tiên sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương. Góp phần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là du lịch trên địa bàn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/646778-le-hoi-chua-tien-gieng-tien-net-van-hoa-phi-vat-the-doc-dao-cua-xu-lang.html

  • Từ khóa