Phòng ngừa cong vẹo cột sống ở trẻ

Thứ 6, 24.05.2024 | 14:27:31
460 lượt xem

Cong vẹo cột sống ở trẻ là tình trạng cột sống cong về một phía, có thể cong về bên phải hoặc bên trái. Mức độ cong vẹo cột sống có thể từ vừa đến nặng. Hiện nay, khoảng 25 trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên thì sẽ có 1 trẻ bị vẹo cột sống, đối với bé trai trong độ tuổi vị thành niên, tỷ lệ này là 1/2000.

Bác sỹ Triệu Thị Hiền, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học – Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những yếu tố nguy cơ dẫn tới triệu chứng cong vẹo cột sống ở trẻ em là: tuổi (triệu chứng cong vẹo cột sống thường xuất hiện vào thời điểm trẻ tăng trưởng đột ngột, thường xảy ra ngay trước tuổi dậy thì); giới (trẻ gái thường có nguy cơ mắc triệu chứng cong vẹo cột sống nặng hơn trẻ trai); gen ( nếu bố mẹ đã từng bị cong vẹo cột sống ở độ tuổi vị thành niên, thì con cái cũng sẽ có nguy cơ bị cong vẹo cột sống cao hơn). 

Học sinh trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn học bài ở nhà 

Triệu chứng cong vẹo cột sống bao gồm: hai vai bị lệch, không cao bằng nhau; đầu của trẻ không ở chính giữa mà hơi nghiêng sang một bên; Một trong hai bên bả vai nhìn rõ hơn so với bên còn lại; trẻ thường bị gầy hơn ở một bên cơ thể; hai chân trẻ có độ dài không bằng nhau; một trong hai bên hông có thể sẽ nhô lên cao hơn so với bên còn lại; các xương sườn dài không đều nhau.

Để chẩn đoán cong vẹo cột sống ở trẻ em, các bác sỹ sẽ khám lâm sàng. Tình trạng cong vẹo cột sống có thể được nhìn thấy rõ ràng khi trẻ cúi người về phía trước và cột sống của trẻ trông có vẻ sẽ nghiêng về bên phải hoặc bên trái. Để xác định thể loại cũng như độ cong vẹo cột sống của trẻ nhỏ, bác sỹ có thể sử dụng thước đo cột sống và chụp X-quang hoặc chụp xương có cản quang để thấy được chính xác tình trạng biến dạng. Từ đó, đưa ra phương pháp điều trị, tránh tình trạng biến dạng nặng hơn sau này.

Tùy vào tình trạng của trẻ nhỏ mà bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp điều trị phù hợp. Có những trường hợp không nặng tới mức phải điều trị, bác sĩ sẽ lên lịch kiểm tra cột sống 6 tháng một lần từ những năm 15 tuổi cho đến khi 20 tuổi. Đa số trẻ có triệu chứng cong vẹo cột sống ở mức độ vừa sẽ được hướng dẫn điều chỉnh tư thế khi ngồi học, đi đứng và mang vác các vật nặng sao cho đúng. Trẻ được hướng dẫn các bài tập phục hồi hoặc chỉ định mặc áo nẹp để chỉnh cột sống trong một số giờ trong ngày hoặc cả ngày khi cần thiết. Trong thời gian đầu luyện tập hoặc chỉnh tư thế, trẻ sẽ được hướng dẫn và có sự trợ giúp của các kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Sau đó, trẻ có thể tự tập ở nhà có sự giám sát và hỗ trợ của gia đình.

Trẻ bị cong vẹo cột sống trên 25 độ sẽ phải chỉnh hình đôi - nẹp và sẽ được yêu cầu sử dụng những thiết bị nẹp cố định này ít nhất vài tiếng một ngày cho tới khi xương cột sống ngừng phát triển, khoảng 17 – 18 tuổi đối với nữ và 18 – 19 tuổi đối với nam. Khi đeo nẹp nên hạn chế chơi các môn thể thao tương tác trong thời gian điều trị.

Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp cong vẹo cột sống nặng vượt quá 50 độ, không thể điều chỉnh bằng tư thế đúng hoặc áo nẹp. Phẫu thuật nội soi giải phóng ngực hoặc phẫu thuật cột sống bị dính có thể sẽ được tiến hành với sự trợ giúp của các thiết bị. Thông thường thì sẽ mất khoảng 12 tháng để có thể ổn định lại cột sống.

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống cho trẻ, cần tập cho trẻ ngồi đúng tư thế: khi ngồi học, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc tối ưu là 90 độ, lưng có thể tựa vào tựa lưng của ghế để tăng thêm điểm tựa, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Nơi học tập phải đủ ánh sáng. Không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 10% trọng lượng cơ thể. Không nên xách cặp hoặc đeo cặp một bên vai mà phải đeo cặp trên hai vai. Nhà trường và gia đình cần phối hợp giúp trẻ có một chế độ học tập và sinh hoạt hợp lý. Trong thời gian ở trường cũng như ở nhà, trẻ không nên ngồi học, xem ti vi quá lâu, cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tập luyện thể dục thể thao tăng cường sức khỏe. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng về giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn, đặc biệt các thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D và khám sức khỏe định kỳ cho trẻ để phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/phong-ngua-cong-veo-cot-song-o-tre-5009463.html

  • Từ khóa