Góc nhìn nghị trường: Doanh nghiệp và cuộc sàng lọc của thị trường

Thứ 2, 10.06.2024 | 08:57:20
289 lượt xem

Vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được đặt ra tại phiên chất vấn đối với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và các thành viên Chính phủ.

Trước đó, trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn tới mức phải rút lui khỏi thị trường vẫn còn rất lớn, mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 là rất khó đạt được. Ngay trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày cũng đã nêu rõ băn khoăn, lo lắng của cử tri, nhân dân về vấn đề số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; công nhân, người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng...

Điều đó cho thấy, doanh nghiệp khó khăn, phải rút lui khỏi thị trường thực sự đang là vấn đề gây nhiều lo lắng, quan ngại.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2024, nước ta có 64.758 doanh nghiệp thành lập mới, 34.067 doanh nghiệp quay lại hoạt động. Tính ra, tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường 5 tháng đầu năm 2024 là 98.825. Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp giải thể là 7.965, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 89.334. Nghĩa là tổng số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường là 97.299. 

Góc nhìn nghị trường: Doanh nghiệp và cuộc sàng lọc của thị trường
Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Con số trên rõ ràng rất đáng suy ngẫm. Có nhiều vấn đề đằng sau con số ấy. Môi trường sản xuất, kinh doanh và sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương chỉ là một phần trong số những vấn đề cần phân tích. Cũng phải nói thêm rằng, môi trường sản xuất, kinh doanh của nước ta thuộc tốp có sức hấp dẫn lớn nhất thế giới. Cứ nhìn vào con số thống kê doanh nghiệp nước ngoài tìm tới Việt Nam và số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam mỗi năm sẽ thấy rất rõ điều đó.

Ở một khía cạnh khác, số lượng doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường lớn cho thấy chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp sức chống chịu yếu, không chịu nổi dù chỉ một cú sốc của thị trường.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, việc chúng ta hỗ trợ để doanh nghiệp có điều kiện hoạt động tốt nhất, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển là đương nhiên. Bởi đằng sau mỗi doanh nghiệp phá sản là những nhà đầu tư bỗng chốc lâm vào cảnh trắng tay, là những người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập, phải rút đi nguồn bảo đảm thu nhập cho tuổi già của mình để chăm lo cho gia đình, con cái...

Nhưng, cũng đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn tới chất lượng doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao chất lượng doanh nghiệp thay vì quan tâm tới số lượng. Chúng ta buộc phải làm quen dần với sự sàng lọc... thị trường, bởi quy mô thị trường càng phát triển, mức độ khắc nghiệt của thị trường chắc chắn sẽ càng cao hơn!


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-doanh-nghiep-va-cuoc-sang-loc-cua-thi-truong-780396

  • Từ khóa