Trả lời bạn xem truyền hình ngày 04/06/2024

Thứ 3, 04.06.2024 | 00:00:00
350 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Triệu Văn Sâm, trú tại xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập hỏi: quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được pháp quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định như sau:

- Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

- Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 6 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định như sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.

- Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

           

Câu 2. Ông Lương Hà Vinh, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở việc công khai thông tin bao gồm hình thức nào? Những nội dung nào Nhân dân được bàn và quyết định?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 12 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định công khai thông tin bao gồm các hình thức sau:

1. Niêm yết thông tin;

2. Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã;

3. Phát tin trên hệ thống truyền thanh của cấp xã (nếu có);

4. Thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến công dân;

5. Gửi văn bản đến công dân;

6. Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân;

7. Thông qua việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật;

8. Thông báo đến tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp khác để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở;

9. Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố;

10. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Theo Điều 15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nhân dân bàn và quyết định những nội dung sau:

1. Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.

2. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộngđồng dân cưđược giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.

3. Nội dung hương ước, quy ước của cộngđồng dân cư.

4. Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

5. Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

6. Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.


Câu 3. Ông Vũ Mạnh Hùng trú tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ?

Trả lời

Điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 7 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017

Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;

- Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án;

- Đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sau đây:

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định;

- Khi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng;

- Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng;

- Bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.

- Chính phủ quy định việc huấn luyện và cấp chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

  • Từ khóa