55 năm gìn giữ "cõi Bác xưa"

Thứ 7, 06.07.2024 | 08:41:05
423 lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng các tài liệu, hiện vật, di tích về Người vẫn hiện hữu và được lưu giữ ở các tỉnh, thành phố Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Trong đó, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc liên tục suốt 15 năm cuối đời là một trong những di sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Cô và trò chụp ảnh kỷ niệm bên ao cá Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh ÐĂNG KHOA)

55 năm qua, nơi đây vẫn được gìn giữ nguyên trạng như khi Bác sống và làm việc, trở thành "địa chỉ đỏ", hội tụ và lan tỏa giá trị cao đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ðến thăm Khu di tích, nơi đi vào thơ Tố Hữu với tên gọi trìu mến "cõi Bác xưa", hẳn ai cũng trào dâng niềm bồi hồi, xúc động, bởi từ nhà sàn, ao cá tới hàng cây, con đường… đều như vẫn đang lưu giữ hình bóng Bác.

Trở lại nơi đây, được nghe kể những câu chuyện trong ký ức của những người từng vinh dự được trực tiếp phục vụ Bác, bao kỷ niệm về Người càng sáng rõ, sống động hơn. Tiến sĩ Trần Viết Hoàn, người cận vệ của Bác năm xưa dường như vẫn thấy hình ảnh Người đang ngồi làm việc, đi bách bộ… Ông không khỏi rưng rưng khi nhớ về những lần mình cùng anh em đồng nghiệp được Bác trực tiếp đến xem chuyện ăn uống, được Người cho quà mỗi khi đi công tác nước ngoài về, hay khi được xem phim cùng Người vào tối thứ bảy hằng tuần tại nhà khách Phủ Chủ tịch, được ăn bữa cơm tất niên ấm cúng và chụp ảnh chung với Người mỗi dịp Tết cổ truyền…

Hồi tưởng về quãng thời gian khi sức khỏe Bác có biểu hiện suy giảm, ông Nguyễn Văn Ðoàn, một trong những chiến sĩ cận vệ của Bác kể, có lần Người đang cầm chiếc cốc trên tay thì tự nhiên đánh rơi. Ðể luyện mắt, luyện tay, tại hành lang tầng một nhà sàn, Bác đã nhiều lần tập ném bóng, đứng từ xa cố đưa bóng vào một cái bồ nhỏ.

Ông Ðoàn vẫn nhớ mãi lần được đi bảo vệ Bác tham dự cuộc mít-tinh trọng thể chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội, diễn ra trung tuần tháng 6/1969. Khi đó Bác đang mệt, việc đi lại có phần khó khăn, nhưng khi đến nơi, Người vẫn bước đi với dáng vẻ nhanh nhẹn, nét mặt phấn khởi. Bác không muốn để đồng bào lo lắng về sức khỏe của mình, vì miền nam luôn trong trái tim Bác.

Ông Ðoàn cũng chẳng thể quên những tháng ngày được túc trực bên giường bệnh chăm sóc Bác, quạt nhè nhẹ giúp Người đi vào giấc ngủ, dùng gạc mềm vuốt nhẹ cổ họng mỗi khi Người có cơn ho… "Kỷ niệm về những năm tháng bên Bác luôn sâu nặng và thiêng liêng. Ðó là những trang đẹp nhất, may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng tôi", ông Ðoàn chia sẻ.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Ðảng, Nhà nước ta quyết định gìn giữ lâu dài nơi ở và làm việc của Người tại Khu Phủ Chủ tịch. Một số cán bộ từng trực tiếp phục vụ Bác đã tình nguyện ở lại cùng các đồng chí Văn phòng Chủ tịch nước (CQ41) ngày đêm miệt mài thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ di sản Người để lại. Toàn bộ di tích cùng hiện vật, tài liệu, sân vườn, tường rào bao chung quanh... liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 15 năm Người sống tại Khu Phủ Chủ tịch… đã được tiến hành vẽ bản đồ khoanh vùng "Khu vực 2/9/1969" và chụp ảnh hiện trạng, ghi chép, thống kê đăng ký vào sổ kiểm kê di tích.

Nơi đây, hằng ngày, cửa vẫn mở đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế vào thăm; đồ đạc trong nhà vẫn được sắp đặt ngay ngắn, sạch sẽ. Không còn... "bóng Bác đi hôm sớm/Quanh mặt hồ in mây trắng bay..." (trích thơ "Bác ơi!" - Tố Hữu), nhưng cây cỏ ở đây vẫn nảy mầm, nở hoa, kết trái, chim vẫn hót, thư của đồng bào trong nước, ngoài nước, của bạn bè quốc tế khắp nơi vẫn gửi đến, mọi hoạt động tại đây vẫn diễn ra như lúc Bác còn sống.

Có thể thấy rõ điều này qua hồi tưởng của bác Vũ Kỳ, người từng trực tiếp tham gia vào hoạt động của Khu di tích: "Anh chị em phục vụ càng phấn đấu thi đua vừa làm, vừa học về chuyên môn, trông nom giữ gìn di tích của Bác đầy tình cảm thiêng liêng và chứa đựng ý nghĩa giáo dục về nhiều mặt." ("Thư ký Bác Hồ kể chuyện" - tác giả Vũ Kỳ, NXB Chính trị quốc gia).

Gắn bó với Khu Di tích Phủ Chủ tịch suốt hơn 30 năm kể từ năm 1991, Thạc sĩ Cao Thị Hải Yến, nguyên Phó Giám đốc Khu Di tích vẫn nhớ như in hình ảnh công nhân viên làm việc nơi đây: Ðó là "hình ảnh cô Bủn, cô Liên, cô Tỵ, cô Sim, cô Tần… mồ hôi nhỏ giọt đầm đìa trên khuôn mặt, dầm mình giữa trưa hè nắng chang chang, phơi những hạt cám làm thức ăn cho cá...; hình ảnh anh Ngô Văn Thuận - thế hệ thứ hai nối tiếp người cha già (ông Ngô Văn Các - cán bộ phụ trách cảnh quan môi trường) làm công tác lau chùi, bảo quản từng di tích, di sản Bác để lại. Và thật đẹp là hình ảnh bác Vũ Kỳ với mái tóc bạc phơ, nụ cười hiền hậu, mỗi ngày sau thời gian đón khách tham quan lại ngồi ở bệ xi-măng nhà sàn kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về cuộc sống hằng ngày của Bác… Cũng rất đẹp, sau những cơn mưa ngập đường lại tràn đầy không khí lao động hăng say của tất cả những người làm việc trong Khu Di tích xuống đường khơi thông cống rãnh, vét máng lá đọng, thu dọn cành cây gãy gây cản trở lối đi…".

Sự cống hiến, tinh thần nỗ lực ấy của bao thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động tại Khu Di tích đã được nuôi dưỡng, gìn giữ suốt hơn 50 năm qua, để những di tích, hiện vật nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp khiêm nhường như vốn có, trở thành bằng chứng chân thực, sâu sắc nhất về phong cách sống bình dị nhưng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, để bảo quản nguyên trạng Khu Di tích rộng gần 15 ha với 13 di tích bất động sản, hàng nghìn di tích động sản (hiện vật) và tư liệu (phim, ảnh, các tài liệu…), cùng cảnh quan môi trường vườn cây, ao cá… là thách thức không nhỏ. Bởi khác với các bảo tàng thông thường, đây là khu di tích lưu niệm danh nhân. Các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị phải tiến hành đồng thời trong điều kiện là kho mở hoàn toàn, thường xuyên phải chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ thấp, độ ẩm cao) và lượng khách tham quan đông, tài liệu rất dễ bị côn trùng, nấm mốc… xâm nhập. Ðó là lý do các cán bộ làm công tác bảo quản ngoài chuyên môn nghiệp vụ về bảo tồn, bảo tàng còn phải có hiểu biết về các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản... Bên cạnh công tác bảo quản thông thường, Khu Di tích thực hiện kết hợp chế độ bảo quản định kỳ ngắn, dài hạn và chống xuống cấp di tích, áp dụng khoa học-công nghệ như máy hút ẩm, điều hòa nhiệt độ, công nghệ khí khô… để kéo dài tuổi thọ cho hệ thống tài liệu, hiện vật. Nhằm đưa Khu Di tích trở thành "cầu nối" những giá trị di sản Hồ Chí Minh với dân tộc và thế giới, nhiều giải pháp đã được áp dụng, từ sưu tầm, kiểm kê tài liệu tới nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục… Chỉ tính riêng giai đoạn 2018-2023, Khu Di tích đã tổ chức và phối hợp tổ chức gần 60 triển lãm, trưng bày chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh; xuất bản, tái bản gần 50 cuốn sách, cùng khoảng 800 bài tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và về Khu Di tích...

Ðã hơn 50 năm kể từ ngày Bác Hồ đi xa, nhưng dòng người vô tận vẫn tìm đến bên Người. Thạc sĩ Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích cho biết: 55 năm qua, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã đón gần 90 triệu khách, trong đó có 16 triệu khách quốc tế từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ đến tham quan, học tập. Vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước như 30/4, 1/5, 19/5, 2/9…, lượng khách càng tăng cao, có ngày lên đến gần 35.000 khách. Riêng trong tháng 5/2024, Khu Di tích đã đón tiếp 152 đoàn sinh hoạt chính trị với hơn 7.300 khách, tương đương 40% số lượng đoàn sinh hoạt chính trị của cả năm 2023. Ðiều này góp phần khẳng định, Khu Di tích Phủ Chủ tịch ngày càng chứng minh được vị thế là "trường học" thực tiễn sinh động giáo dục về truyền thống cách mạng, về bài học đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ðến đây, được tận mắt ngắm nhìn không gian sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được lắng nghe những câu chuyện xúc động gắn liền từng hiện vật, từ ngọn đèn bàn, bông hoa trong vườn, đôi dép cao su, trái dừa, đường sỏi tới lời Bác dặn trước lúc đi xa..., mỗi người càng thêm hiểu vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, để rồi soi lại mình, có thêm động lực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và cống hiến.

Kịp thời chuyển mình theo xu hướng mới của ngành di sản, Khu Di tích đã và đang tích cực nghiên cứu thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm dành cho đối tượng học sinh. Công tác số hóa di sản cũng đang được đẩy nhanh thông qua ứng dụng các công nghệ, thiết bị điện tử để thực hiện định dạng số về hình ảnh, âm thanh, câu chuyện liên quan từng di tích, hiện vật, tạo nguyên liệu "đầu vào" một cách có hệ thống, chiều sâu, đáp ứng mục đích, yêu cầu bảo vệ, khai thác giá trị di sản Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch…


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/55-nam-gin-giu-coi-bac-xua-post817738.html

  • Từ khóa