Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền với Đốc trấn Ngô Thì Sỹ tại Lạng Sơn

Thứ 3, 16.07.2024 | 14:28:05
568 lượt xem

Trong lịch sử, Lạng Sơn là vùng đất có vị trí trọng yếu, vì vậy, các triều đại phong kiến đều cử các vị quan lên trấn giữ, trong đó có Đốc trấn Ngô Thì Sỹ. Suốt thời gian làm quan tại Lạng Sơn, ông đã có công phát hiện, tôn tạo nhiều danh thắng, sáng tác thơ, văn ca ngợi cảnh đẹp của xứ Lạng. Để ghi nhớ công lao của Đốc trấn Ngô Thì Sỹ và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn đến thế hệ trẻ, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn liền với

Theo các tài liệu lịch sử, năm 1777, Ngô Thì Sỹ được cử làm Đốc trấn Lạng Sơn. Ông là một nhà chính trị có tầm nhìn xa, rộng, có tâm huyết và có nhiều ý tưởng cải cách nền chính sự đương thời với mong muốn làm cho xã hội ổn định, nhân dân được sống, lao động yên vui.

Những đóng góp quý giá

Di tích danh thắng động Nhị Thanh là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của Lạng Sơn được Đốc trấn Ngô Thì Sỹ phát hiện, tôn tạo vào năm 1779. Đây là hang đá tự nhiên có tổng chiều dài hơn 600 m, có dòng Ngọc Tuyền chảy qua, trong động có rất nhiều bút tích của Đốc trấn Ngô Thì Sỹ khắc trên vách đá, đặc biệt ngay trước cửa động là bức phù điêu truyền thần Ngô Thì Sỹ do chính ông cho người tạo tác. Bên cạnh động Nhị Thanh là chùa Tam Giáo do Ngô Thì Sỹ tôn tạo thờ Khổng Tử, Lão Tử, Phật Thích Ca. Nét độc đáo của chùa chính là các hình tượng chạm khắc và bút tích chữ Hán của ông từ thế kỷ XVIII.

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Có thể nói, di tích Nhị Thanh giống như “viên ngọc quý” của di sản văn hóa Lạng Sơn. Đây là nơi gắn liền với công trạng cuối đời của Đốc Trấn Ngô Thì Sỹ ở Lạng Sơn và cũng tại nơi này theo tương truyền ông đã qua đời. Để tưởng nhớ, Nhân dân đã lập gian thờ ông tại động Nhị Thanh.

Nghi lễ rước kiệu Đốc trấn Ngô Thì Sỹ tại Lễ hội chùa Tam Thanh - Tam Giáo tháng Giêng năm 2024

Nghi lễ rước kiệu Đốc trấn Ngô Thì Sỹ tại Lễ hội chùa Tam Thanh - Tam Giáo tháng Giêng năm 2024

Cùng với di tích Động Nhị Thanh, tại vách đá trong động chùa Tiên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hiện còn lưu giữ tấm bia “Trấn doanh bát cảnh” (tức là 8 cảnh đẹp của trấn doanh) do Đốc trấn Ngô Thì Sỹ sáng tác năm 1779. Trải qua thăng trầm lịch sử, “Trấn doanh bát cảnh” hiện nay chỉ còn xác định được 4 di tích (phố chợ Kỳ Lừa, bến đá Kỳ Cùng, động Nhị Thanh – Tam Thanh, chùa Tiên) trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Ngoài ra, Đốc trấn Ngô Thì Sỹ cũng đã để lại kho tàng thơ văn Hán Nôm đồ sộ khắc trên vách đá tại các di tích, danh thắng ở thành phố Lạng Sơn; huyện Văn Lãng; huyện Tràng Định... Những bài thơ văn này đều có nội dung miêu tả cảnh núi non hùng vĩ của Lạng Sơn. Đây là nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý giá góp phần phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Lạng Sơn.

Nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị

Để góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền với Đốc trấn Ngô Thì Sỹ tại Lạng Sơn, những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) đã có nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể, năm 2015, sở VHTT&DL đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh biên tập, xuất bản cuốn “Ngô Thì Sỹ với Văn bia Lạng Sơn”, giới thiệu đầy đủ nội dung các bài thơ, văn bia tại di tích, danh thắng do Ngô Thì Sỹ sáng tác; từ năm 2018 đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm kê, tổng hợp, đánh giá, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục kiểm kê 335 di tích, trong đó sưu tầm và kiểm kê được nhiều di tích liên quan đến Đốc trấn Ngô Thì Sỹ...

Bà Phạm Thị Thuận, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, chúng tôi được phân công quản lý trực tiếp Khu di tích Nhị - Tam Thanh. Chúng tôi đã bố trí đảm bảo đủ số lượng viên chức, nhân viên trực tại hai di tích, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, hướng dẫn giới thiệu về giá trị, ý nghĩa của di tích, công trạng của Đốc trấn Ngô Thì Sỹ cho khách tham quan...

Song song với đó, tháng 10/2019, UBND thành phố phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc – Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch” nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia du lịch, nhà nghiên cứu lịch sử thúc đẩy du lịch tại di tích thành nhà Mạc.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho hay: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn, trong đó bao gồm các di tích gắn liền với Đốc trấn Ngô Thì Sỹ tại Lạng Sơn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan tăng cường nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, tư liệu về Đốc trấn Ngô Thì Sỹ cùng giá trị các di sản văn hóa gắn liền với thời kỳ ông làm quan tại Lạng Sơn để tiếp tục có hướng bảo tồn phù hợp.

Bằng những giải pháp tích cực, các cấp, các ngành cùng Nhân dân Lạng Sơn đang từng ngày gìn giữ, phát huy những di sản văn hóa gắn liền với Đốc trấn Ngô Thì Sỹ như một cách tri ân sâu sắc đối với ông. Qua đó, giúp mỗi người dân nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc, từ đó thêm tự hào về truyền thống, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngô Thì Sỹ (1726 – 1780) có tên tự là Thế Lộc, tên hiệu là Ngọ Phong, đạo hiệu là Nhị Thanh cư sĩ, người làng Tả Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học. Cha ông là danh sĩ Ngô Thì Ức, cũng là một người nổi tiếng hay chữ.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-gan-lien-voi-doc-tran-ngo-thi-sy-tai-lang-son-5014990.html

  • Từ khóa