Số hóa “địa chỉ đỏ”

Chủ nhật, 18.08.2024 | 08:48:38
440 lượt xem

Phát huy vai trò xung kích trong tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử-văn hóa của Thủ đô, Đoàn Thanh niên các cấp TP Hà Nội đã sáng tạo trong ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, xây dựng các công trình bản đồ số “địa chỉ đỏ”, vừa giúp dễ dàng tra cứu và tìm hiểu, vừa tăng tính hấp dẫn với người xem.

Trải nghiệm tour du lịch thực tế ảo, bạn trẻ Bùi Hương Giang (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất vui khi Đoàn Thanh niên quận áp dụng công nghệ số, xây dựng tour du lịch thực tế ảo trải nghiệm 5 địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn quận, gồm: Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Số hóa “địa chỉ đỏ”
Khách tham quan quét mã QR trải nghiệm tham quan Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy trên không gian số. 

Hệ thống cũng tích hợp hướng dẫn viên du lịch ảo với tiếng Việt và tiếng Anh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho du khách. Chỉ việc quét mã QR mà như được đi du lịch, vừa biết nguồn gốc lịch sử của di tích một cách rõ ràng, chi tiết, vừa được trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, dễ hiểu. Tôi cũng thử các tính năng như chụp ảnh selfie trong không gian ảo, trò chuyện, hỏi đáp, nhìn thấy hình 3D của người dùng khác di chuyển trong không gian ảo của bản đồ số và cảm thấy rất thú vị”.

Tại quận Cầu Giấy, không gian chùa Hà và nhiều điểm di tích, như: Nhà cụ Tạ Đình Tán; quán cây, ao cá thuộc khu đình Bái Ân; đình Hậu; nhà bà Hai Nhã... đều được Đoàn Thanh niên tái hiện qua không gian bản đồ số. Theo đồng chí Lê Thị Thu Trang, Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy, công trình bản đồ số “địa chỉ đỏ” nhằm tuyên truyền, giới thiệu và giúp nhân dân, du khách trong nước cũng như quốc tế dễ dàng tra cứu thông tin, hình ảnh thực tế 360 độ của di tích. Hệ thống này góp phần tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa-lịch sử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, nhân dân Thủ đô và phát huy lòng tự hào về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

“Thực mục sở thị” công trình thanh niên ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) bằng điện thoại thông minh quét mã QR, chúng tôi thấy hiện lên đầy đủ thông tin về di tích với hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh; lời thoại được thực hiện tự động (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) giới thiệu về di tích. Nói về công trình này, đồng chí Nguyễn Quang Ngà, Phó bí thư Huyện đoàn Quốc Oai cho biết, sau khi số hóa bằng công nghệ thực tế ảo 360 độ/360 VR, di tích được lưu trữ và trình diễn trên nền tảng số hoàn toàn và có thể bảo tồn những hình ảnh thực tế rất lâu về sau dù di tích có những thay đổi. Người dân trên mọi miền Tổ quốc có thể truy cập và trải nghiệm không gian thực tế ảo tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy khi chưa có điều kiện đến với nơi đây.

Để công trình thực sự hiệu quả, Huyện đoàn Quốc Oai phối hợp rà soát các địa điểm trong khu vực chùa Thầy, đặt 3 biển công trình để thuận tiện cho du khách thập phương và nhân dân trong quá trình truy cập tour tham quan ảo. Huyện đoàn cũng đẩy mạnh giới thiệu mã QR trên các trang fanpage, hội, nhóm... của tổ chức đoàn, hội, đội để giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, đồng thời tuyên truyền, quảng bá về Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy.

Thời gian qua, Đoàn Thanh niên TP Hà Nội đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia, từ đó đưa ra giải pháp thiết lập hệ thống bản đồ số dữ liệu các “địa chỉ đỏ” và hệ sinh thái trao đổi thông tin, kiến thức lịch sử cho đoàn viên, thanh niên. Các điểm di tích được triển khai dưới dạng thực tế ảo 360 độ và có mẫu thực thuyết minh, giới thiệu với tính năng ưu việt. Hệ thống bản đồ số thể hiện sự phân bố các điểm di tích ở Hà Nội, có chức năng tìm kiếm cũng như lọc theo quận, huyện. Các địa điểm di tích được đính trên bản đồ tại tọa độ chính xác của địa điểm đó. Người tham quan bấm vào điểm trên bản đồ để tham quan di tích tương ứng. Ở giao diện tham quan một di tích có nút quay về màn hình bản đồ tổng. Chức năng chatbot AI (sử dụng chat GPT) hỗ trợ trao đổi, hỏi đáp thông tin về các di tích, cung cấp mọi thông tin đã được xác minh một cách thuận tiện và nhanh chóng đến với khách tham quan.

Công trình còn tích hợp chức năng cá nhân hóa gương mặt thông qua AI, đồng thời giúp người sử dụng tham gia vào không gian ảo để cùng tương tác, trao đổi thông tin và làm các thao tác như: Chụp ảnh selfie trong không gian ảo, trò chuyện, hỏi đáp, nhìn thấy hình 3D của người dùng di chuyển trong không gian ảo... mang đến những trải nghiệm thú vị. Đến nay, Đoàn Thanh niên thành phố đã triển khai số hóa được 150 “địa chỉ đỏ”.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội, Đoàn Thanh niên các cấp trong thành phố triển khai số hóa các di tích trên địa bàn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương. Hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa để không những góp phần lưu trữ các tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng hệ thống dữ liệu chung của các di tích, “địa chỉ đỏ” trên địa bàn mà còn giúp người dân trong và ngoài nước thêm hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/so-hoa-dia-chi-do-789922

  • Từ khóa