Nỗ lực bảo đảm phòng học cho học sinh

Chủ nhật, 18.08.2024 | 08:48:43
486 lượt xem

Thời gian qua, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh luôn phải đối mặt với khó khăn thiếu trường, lớp do số lượng học sinh tăng đều qua các năm. Dù vậy, với nhiều nỗ lực, cố gắng của các địa phương và ngành chức năng, TP Hồ Chí Minh đã bảo đảm cho học sinh trên địa bàn có đủ chỗ học trong năm học mới 2024-2025.

Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân là những quận, huyện có tốc độ tăng dân số nhanh nhất TP Hồ Chí Minh, cùng với đó là số lượng lớn học sinh trong độ tuổi tới trường. Riêng quận Bình Tân có khoảng 120.000 học sinh tính từ cấp mầm non đến hết THPT, tăng 3.455 học sinh so với năm học 2023-2024, đặt ra áp lực lớn cho ngành giáo dục. Quận này hiện thiếu hơn 1.000 phòng học, thuộc diện thiếu nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Để giải quyết thực trạng trên, TP Hồ Chí Minh đã bố trí vốn xây mới 23 trường với 729 phòng học trên địa bàn quận Bình Tân. Vừa qua, quận Bình Tân đã khánh thành 7 ngôi trường công lập mới, trong đó có 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường THCS với 204 phòng học mới, nâng tổng số phòng học của quận lên 4.061 phòng. Nhờ đó giúp quận Bình Tân dự kiến giảm được sĩ số học sinh/lớp ở bậc tiểu học từ 42,2 học sinh/lớp xuống còn khoảng 41 học sinh/lớp.

Nỗ lực bảo đảm phòng học cho học sinh
Nhiều phòng học mới được đưa vào phục vụ trong năm học 2024-2025. Ảnh: XUÂN DUY 

Theo lãnh đạo UBND quận Bình Tân, trước tình trạng thiếu phòng học trầm trọng, các cơ quan chức năng đã tích cực tìm quỹ đất để xây trường. Chẳng hạn như đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xây trường trên diện tích hơn 40ha đất ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau khi giải tỏa. UBND quận còn kiến nghị thành phố bàn giao 7/59 lô đất đang bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích để đầu tư xây dựng trường học. Năm 2025, quận Bình Tân sẽ xây thêm 16 trường, góp phần giảm sức ép về chỗ học cho học sinh trên địa bàn.

Dự kiến năm học 2024-2025, TP Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT, tăng hơn 24.000 học sinh so với năm học trước. Trong đó, bậc THPT tăng gần 17.000 học sinh, bậc THCS tăng hơn 7.000 học sinh, bậc mầm non tăng hơn 6.200 học sinh. Thực tế cho thấy, những năm học vừa qua, số học sinh học tại TP Hồ Chí Minh nhưng không có hộ khẩu đều tăng, chiếm khoảng 20% trong tổng số học sinh toàn thành phố và có xu hướng tăng qua các năm, dẫn đến sĩ số học sinh/lớp tăng vượt chuẩn quy định, nhất là ở cấp tiểu học.

Trong bối cảnh số học sinh gia tăng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh khẳng định năm học 2024-2025 vẫn bảo đảm 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Dự kiến, từ nay đến ngày 5-9, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới, tổng mức đầu tư 1.970 tỷ đồng; trong đó, mầm non 41 phòng học, tiểu học 246 phòng học và THCS 126 phòng học. Từ sau ngày 5-9 đến hết tháng 12-2024, thành phố sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng 5 dự án với 63 phòng học mới, tổng mức đầu tư khoảng 267 tỷ đồng; trong đó, số phòng học mới ở cấp học mầm non là 3 phòng, tiểu học là 30 phòng...

Cùng với đầu tư công, thành phố dự kiến có 110 dự án trường học với quy mô 2.638 phòng học thực hiện xã hội hóa thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP), vay kích cầu, kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Bên cạnh giải pháp về vốn đầu tư, thành phố cũng đẩy mạnh nhóm giải pháp về quỹ đất xây dựng trường học từ ưu tiên quỹ đất công hiện có để tăng thêm quỹ đất cho giáo dục. Theo các chuyên gia, để có nhiều trường học mới, thành phố cần tạo thêm nhiều quỹ đất cho giáo dục; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; thúc đẩy tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm đủ phòng học.


Theo dantri.com.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/no-luc-bao-dam-phong-hoc-cho-hoc-sinh-789955

  • Từ khóa