Đảm bảo bình ổn thị trường sau mưa lũ

Thứ 4, 18.09.2024 | 08:44:17
599 lượt xem

Đội QLTT số 1 kiểm tra hoạt động của cơ sở kinh doanh hàng hóa tại thành phố Lạng Sơn

Tại thời điểm diễn ra bão số 3 đã xuất hiện việc khan hiếm, tăng giá một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm... ở một số địa bàn. Tuy vậy, sau bão, tình trạng này vẫn chưa trở lại bình thường, nhất là giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường vẫn có xu hướng tăng.

Kiểm soát chặt thị trường

Qua khảo sát của phóng viên tại một số chợ truyền thống, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố trong những ngày sau bão số 3, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng nhẹ. Cụ thể, tại thời điểm ngày 15/9, giá gạo tẻ trên thị trường tăng từ 1 – 2 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước bão số 3 xảy ra (gạo tẻ thường trước bão có giá 19 – 20 nghìn đồng/kg thì hiện tại giá là 22 nghìn đồng/kg). Giá thực phẩm tươi sống cũng tăng nhẹ như: giá thịt lợn tăng khoảng 5 nghìn đồng/kg; giá cá các loại tăng khoảng 10 nghìn đồng/kg. Giá rau xanh, đặc biệt là các loại rau gia vị đều tăng từ 5 – 7 nghìn đồng/kg (tùy loại)…

Chị Nguyễn Thị Vinh, chủ quầy bán cá tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn cho biết: Do mưa bão ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc nên việc thu hoạch các loại thủy sản, rau xanh... đều gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, hầu hết các tư thương bán buôn các mặt hàng cho tiểu thương tại chợ đều tăng giá, dẫn đến giá bán một số mặt hàng thực phẩm đều tăng so với những ngày trước bão.

Thực tế, theo kết quả rà soát của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, từ ngày 8/9 đến ngày 11/9, cơ bản thị trường hàng hóa trên địa bàn đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý. Tuy nhiên, giá của một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhất là rau xanh tăng 10 - 20% so với ngày thường do ảnh hưởng của thời tiết đến cây trồng và khó khăn trong khâu vận chuyển.

Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Lạng Sơn) cho biết: Qua giám sát thị trường, một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, nhất là rau xanh có tăng giá. Nguyên nhân là do thời điểm này nguồn thực phẩm, nguồn rau xanh chủ yếu được tiểu thương nhập từ các tỉnh, thành khác và giá nhập đầu vào tăng nên giá bán ra cũng tăng so với thời điểm trước bão. Đội đã chỉ đạo các tổ địa bàn thường xuyên thực hiện giám sát, tuyên truyền các tiểu thương bán đúng giá, đồng thời vận động các tiểu thương tìm thêm nguồn nhập hàng để bổ sung nguồn cung.

Không chỉ Đội QLTT số 1, thời gian qua, các đội QLTT phụ trách địa bàn các huyện cũng đã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh, hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, giá một số mặt hàng thực phẩm tăng do giá đầu vào tăng, do vậy, giải pháp của cơ quan QLTT thời điểm này là kiểm tra, vận động các siêu thị, cửa hàng tự chọn, trung tâm thương mại... tăng sản lượng mặt hàng nhập, bổ sung lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, điều này góp phần kéo giảm giá bán hàng hóa, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Bên cạnh đó, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT phụ trách địa bàn các huyện, thành phố tăng cường theo dõi, nắm sát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán không đúng quy định gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Cùng với cơ quan QLTT tỉnh, từ ngày 8/9 đến nay, Sở Công Thương cũng tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát giá bán và nguồn cung các loại hàng hóa tại các chợ thị trấn, chợ xã trên địa bàn 10 huyện. Qua nắm bắt tình hình thực tế, sở đã làm việc với UBND các xã, thị trấn, đề nghị chính quyền cơ sở thường xuyên nắm tình hình giá cả, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, từ đó không để xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Đảm bảo nguồn cung

Không chỉ kiểm soát chặt về giá bán hàng hóa trên thị trường, thời gian này, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan vẫn đang tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai các biện pháp để bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, chủ đồng bình ổn thị trường. Vì vậy, nguồn cung hàng hóa trên thị trường tỉnh trong thời điểm diễn ra bão số 3, cũng như hiện nay vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của người dân.

Ông Đặng Văn Dũng, Quản lý hệ thống Winmart+ tại Lạng Sơn chia sẻ: Ngay khi có thông tin về bão số 3, Winmart+ tại Lạng Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để đảm bảo cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng. Theo đó, hiện nay, 14 cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Winmart+ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có hàng hóa dồi dào, không có tình trạng khan hàng và giá cả duy trì ổn định. Đặc biệt, đối với mặt hàng rau, củ, quả, Winmart+ đã chủ động điều phối nguồn cung từ các nông trại WinEco và các nhà phân phối miền Nam, tăng sản lượng cung ứng gấp 2 lần so với ngày thường và cam kết không tăng giá.

Ngoài hệ thống Winmart+, hiện các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng đã ổn định hoạt động, đảm bảo được nguồn cung hàng hóa. Bà Mai Thu Hằng, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua theo dõi của Ban Quản lý chợ, hiện nguồn cung hàng hóa tại chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn) khá dồi dào, phong phú, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trao đổi với lãnh đạo Sở Công Thương được biết, từ ngày 6/9, sở đã ban hành Công văn số 1544/SCT-QLTM gửi các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, ban quản lý các chợ trên địa bàn, thương nhân kinh doanh xăng dầu… trên địa bàn tỉnh để kiểm tra về tình hình cung ứng cũng như yêu cầu các đơn vị có phương án cung cấp hàng hóa lưu động trong khu vực; tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm nguồn hàng từ các địa phương khác để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn.

Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là tại các chợ truyền thống… nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đến hiện tại, nguồn hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian chịu tác động, ảnh hưởng của cơn bão số 3; phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo ổn định giá cả, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão.

Không chỉ chủ động các biện pháp bình ổn thị trường sau bão số 3, hiện nay, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2024.

Thực tế theo quy luật về cung cầu hàng hóa, bắt đầu từ thời điểm này, sức mua của người dân sẽ tăng mạnh và nhu cầu mua sắm sẽ càng tăng vào thời điểm cuối năm. Do vậy, hoạt động cung ứng hàng hóa, cũng như giá hàng hóa trên thị trường cũng sẽ có những biến động. Hy vọng, với những giải pháp của ngành công thương và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng QLTT và các cơ quan liên quan, nguồn cung và giá bán hàng hóa trên thị trường tỉnh tại thời điểm này cũng như từ nay đến cuối năm sẽ luôn bình ổn, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người dân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/dam-bao-binh-on-thi-truong-sau-bao-5021888.html

  • Từ khóa