Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện hội đồng quản trị: Góp phần nâng hiệu quả quản lý vốn tín dụng chính sách

Thứ 3, 24.09.2024 | 09:14:10
458 lượt xem

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) cấp huyện, 100% chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò trong việc thực hiện công tác giải ngân vốn tín dụng chính sách, phân bổ nguồn vốn, bình xét cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định là một trong những xã thực hiện tốt công tác quản lý vốn tín dụng chính sách. Hiện nay, tổng dư nợ toàn xã đạt trên 22,5 tỷ đồng với 345 hộ vay (năm 2014 là 9,3 tỷ đồng). Nguồn vốn tín dụng chính sách trong những năm qua đã góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 5,8% (bình quân giảm 3%/năm). Có được kết quả đó, phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và cá nhân đồng chí chủ tịch UBND xã.

 

Chủ tịch UBND xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng kiểm tra danh sách các hộ vay được NHCSXH niêm yết công khai tại xã

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tôi tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện để kịp thời nắm bắt chính sách tín dụng mới; có ý kiến, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách để được tháo gỡ kịp thời. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, nhiều năm qua xã không có trường hợp nợ quá hạn.

Tương tự, tại xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, cùng với việc tham gia đầy đủ các cuộc họp với ngân hàng, tôi thường xuyên chỉ đạo Ban giảm nghèo xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách và tổ chức phân bổ vốn đến các thôn. Đồng thời tôi chỉ đạo trưởng thôn, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các hội, đoàn thể họp bình xét cho vay công khai, dân chủ, qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hiện nay, trên địa bàn xã đang triển khai 14 chương trình cho vay, với dư nợ đạt trên 33 tỷ đồng, gần 600 hộ vay (dư nợ năm 2014 là 11,4 tỷ đồng).

Không chỉ tại 2 xã kể trên, trong những năm qua, nhờ có sự tham gia của chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Theo đó, chủ trương bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện được thực hiện từ năm 2015.

Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Từ khi chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, công tác phối hợp giữa chính quyền với ngân hàng được thực hiện thuận lợi hơn rất nhiều. Cụ thể, việc chỉ đạo đối với ban giảm nghèo xã, trưởng thôn được thực hiện quyết liệt hơn; công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện các chính sách vốn, quản lý vốn tốt hơn. Đặc biệt, khi chủ tịch UBND cấp xã tham gia ban đại diện, các chương trình tín dụng chính sách được triển khai gắn với kế hoạch phát triển kinh tế của xã như: giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Từ đó, nguồn vốn phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh tiếp cận với nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh tế.

Chị Vi Thị Thơm, thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình chia sẻ: Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, năm 2021, được xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư trồng rừng và mở xưởng gỗ bóc, đem lại thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Tôi thấy việc vay vốn với ngân hàng rất nhanh chóng, thuận tiện vì tất cả các giao dịch đều được thực hiện ngay tại xã.

Cùng với đó, từ khi chủ tịch UBND xã được bổ sung vào ban đại diện HĐQT cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn đã quan tâm bố trí nơi giao dịch, bàn ghế, an ninh, đảm bảo hoạt động giao dịch của ngân hàng tại xã diễn ra an toàn, hiệu quả.

Đối với công tác kiểm tra giám sát, định kỳ hằng quý, chủ tịch UBND xã thành lập đoàn kiểm tra vốn vay tại 1 tổ tiết kiệm và vay vốn và 4 - 5 hộ vay bất kỳ, đồng thời nắm bắt thông tin từ tổ chức hội, trưởng thôn để kiểm tra tại các hộ có khó khăn trong quá trình vay vốn để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Ngoài ra, chủ tịch UBND xã còn trực tiếp chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ tiết kiệm và vay vốn đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn đối với hộ vay; cương quyết xử lý đối với những hộ có tư tưởng chây ì…

Nhờ đó, công tác thu nợ, thu lãi, đặc biệt là thu hồi nợ quá hạn của Chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn đạt kết quả cao, chất lượng tín dụng được đảm bảo. Tính đến nay, chi nhánh đang triển khai 19 chương trình tín dụng ưu đãi (tăng 7 chương trình so với năm 2014) với tổng dư nợ đạt 4.689 tỷ đồng, tăng trên 2.700 tỷ đồng so với năm 2014, với 87.131 hộ vay. Tỷ lệ thu nợ gốc tại điểm giao dịch xã đạt trên 96%, thu lãi đạt 99,8%; nợ quá hạn còn 2.697 triệu đồng (giảm 3.646 triệu đồng so với năm 2014), chiếm 0,06% tổng dư nợ.

Có thể khẳng định, từ khi chủ tịch UBND cấp xã tham gia ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, vai trò, trách nhiệm quản lý vốn của UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh được phát huy hiệu quả, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở, giúp nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả.

Ngay từ khi thành lập NHCSXH, Chính phủ đã xác định vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo điều 27 của Nghị định 78, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách gồm:
1. Lập danh sách hộ nghèo theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố.
2. Chỉ đạo việc thành lập và chấp thuận hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn.
3. Tổ chức và chỉ đạo ban chỉ đạo chương trình xoá đói, giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc bình xét hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, bảo đảm dân chủ và công khai, xác nhận danh sách hộ nghèo vay vốn, phối hợp với tổ chức cho vay, tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ.
4. Có ý kiến về đề nghị của người vay đối với các trường hợp xin gia hạn nợ và xử lý rủi ro.
5. Phối hợp với các ban, ngành chức năng ở cấp huyện, các tổ chức Chính trị xã hội, tổ chức tài trợ và tổ chức cho vay mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kiến thức về thị trường..., quy chế vay vốn, trả nợ của NHCSXH.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/b-5022174.html

  • Từ khóa