Không để dịch bùng phát trong trường học

Chủ nhật, 20.10.2024 | 08:51:54
404 lượt xem

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ, bước vào năm học mới, nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm ở học sinh tăng cao, nhất là một số bệnh như: Sởi, ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ngộ độc thức ăn...

Thông tin từ Bộ Y tế, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số trường hợp mắc sởi tăng hơn 8 lần, mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Theo phân tích của PGS, TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), các ca bệnh truyền nhiễm thường tăng vọt trong khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. Nguyên nhân là sau thời gian nghỉ hè, trẻ từ các môi trường sống khác nhau tập trung vào không gian sinh hoạt chung nên khi mầm bệnh xuất hiện trong nhà trường, những trẻ chưa có miễn dịch, chưa được bảo vệ bằng vaccine có nguy cơ nhiễm bệnh.

Không để dịch bùng phát trong trường học
Tiêm vaccine cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: THIỆN TÂM 

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai những giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong trường học; chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp chỉ đạo sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở GD-ĐT trên cả nước chuẩn bị những điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong thời gian học tập; các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng. Các đơn vị GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với ngành y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch, theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý. Hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; phối hợp tuyên truyền, vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế để tăng cường và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, học sinh. Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi...

Các chuyên gia dịch tễ cũng khuyến cáo, nếu không triển khai tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học thì từ những ca bệnh lẻ tẻ, các ổ dịch nhỏ sẽ lây lan thành ổ dịch lớn. Khi số lượng các ca mắc trong cộng đồng gia tăng sẽ kéo theo các ca bệnh nặng tăng lên. Để hạn chế biến chứng của bệnh, phụ huynh nên quan tâm đến những dấu hiệu bệnh ở trẻ để kịp thời đưa đến cơ sở y tế điều trị.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/khong-de-dich-bung-phat-trong-truong-hoc-799456

  • Từ khóa