Ngủ 5 tiếng mỗi đêm có đủ không?

Thứ 2, 21.10.2024 | 08:23:45
64 lượt xem

Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng nhiều người không ngủ đủ giấc. Vậy ngủ 5 tiếng mỗi đêm liệu đã đủ và có hậu quả gì đối với sức khỏe không?

Ngủ 5 tiếng có đủ không? Câu trả lời là Không. Theo các chuyên gia, ngủ 5 tiếng trong vòng 24 giờ là không đủ đối với phần lớn người lớn. 

"5 tiếng ngủ là quá ít, đặc biệt là nếu điều này là thường xuyên", Shelby Harris, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về y học giấc ngủ hành vi tại Sleepopolis, chia sẻ với TODAY.com.

Khi nói đến nhu cầu ngủ, không có con số kỳ diệu nào cả. Tuổi tác, di truyền và sức khỏe tiềm ẩn đều đóng vai trò nhất định. 

"Nếu bạn không có áp lực bên ngoài và có thể đi ngủ khi cảm thấy buồn ngủ, ngủ đủ thời gian mà cơ thể cần, sau đó thức dậy mà không cần sử dụng báo thức, cảm thấy được nghỉ ngơi... thì đó chính là lượng thời gian bạn cần", Tiến sĩ Bhanu Kolla, bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ và bác sĩ tâm thần tại Phòng khám Mayo, chia sẻ.

Ngủ 5 tiếng mỗi đêm có đủ không? - 1

Thông thường việc ngủ 5 tiếng mỗi đêm là không đủ (Ảnh minh họa: Healthline).

Theo TS Kolla, trong tình huống này, hầu hết những người khỏe mạnh sẽ tự nhiên ngủ từ 7 đến 9 tiếng. Đây là lý do tại sao các chuyên gia và Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyến cáo người lớn nên ngủ 7 tiếng trở lên mỗi đêm thường xuyên để tăng cường sức khỏe tối ưu.

Tuy nhiên, một số người có thể cần nhiều hơn hoặc ít hơn một chút so với lượng thời gian này mỗi đêm. Một số người lớn có thể không cảm thấy được nghỉ ngơi trừ khi họ ngủ 9 hoặc 10 giờ, và điều đó không sao.

Những người khác có thể hoạt động khi ngủ gần 5 giờ, nhưng theo các chuyên gia, ngủ đủ thời gian này thường xuyên không phải là cách tốt nhất cho sức khỏe.

Trong khi đó, Tiến sĩ Andrew Varga, một nhà khoa học thần kinh và bác sĩ tại Trung tâm Giấc ngủ Tích hợp Mount Sinai, cho biết, có những người ngủ ít tự nhiên, họ có thể ngủ ít hơn 6 giờ một đêm và hoạt động bình thường mà không cảm thấy mệt mỏi hoặc gặp phải các kết quả sức khỏe bất lợi. 

Dù vậy, chuyên gia cho rằng điều này là do một đột biến gen di truyền hiếm gặp. Những người ngủ ít tự nhiên chỉ chiếm một nhóm nhỏ trong dân số.

Harris cho biết việc ngủ trung bình năm giờ một đêm thường là do các yếu tố bên ngoài, căng thẳng, vệ sinh giấc ngủ kém hoặc rối loạn giấc ngủ.

Tất cả chúng ta đều có những đêm ngủ không ngon giấc, nhưng điều quan trọng là phải nhận thức rằng việc không ngủ đủ giấc có thể gây ra hậu quả ngắn hạn và dài hạn cho sức khỏe.

Tác động của việc chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm đối với sức khỏe

Theo TS Kolla, sau khi ngủ năm tiếng trong một đêm, hầu hết mọi người có thể ngủ bù một hoặc hai đêm với lượng giấc ngủ bình thường hoặc thêm vài tiếng. Một giấc ngủ ngắn vào ngày hôm sau cũng có thể giúp ích.

Những người thường xuyên ngủ ít hơn bảy tiếng mỗi đêm có thể thích nghi theo một nghĩa nào đó và không cảm thấy buồn ngủ theo thời gian. Tuy nhiên, việc quen với việc không ngủ đủ giấc không ngăn được những tác động có hại đến sức khỏe tích tụ.

Các chuyên gia lưu ý khi ngủ quá ít trở thành thói quen và bạn không ngủ bù, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ mãn tính, liên quan đến nhiều tác động lâu dài đến sức khỏe.

Chức năng nhận thức

Trong ngắn hạn, việc không ngủ đủ giấc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng nhận thức vào ngày hôm sau. 

Ngoài cảm giác buồn ngủ, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ mọi thứ, phản ứng chậm hơn và bạn có thể cáu kỉnh hơn bình thường. Bạn có thể nhận thấy điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc hoặc học tập.

Tai nạn và té ngã

Thiếu ngủ cũng có thể làm tăng khả năng gặp tai nạn nghiêm trọng của một người. Mất ngủ quá nhiều có thể làm suy yếu chức năng của một người tương tự như nồng độ cồn trong máu. 

Các vấn đề về tim và thận

Về lâu dài, những người thường xuyên ngủ ít hơn sáu giờ có tỷ lệ mắc bệnh như huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, bệnh thận, tiểu đường… cao hơn. 

Trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần, bao gồm trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực cũng như các bệnh thần kinh, như bệnh Alzheimer.

Lượng giấc ngủ được khuyến nghị là bao nhiêu?

TS Kolla cho biết mỗi người có nhu cầu ngủ khác nhau trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần ngủ nhiều hơn nhiều so với người lớn và người lớn tuổi. Ở những người cùng nhóm tuổi, nhu cầu ngủ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố y tế, môi trường và hành vi.

Thời gian ngủ cần thiết cũng có thể thay đổi đôi chút tùy thuộc vào lối sống và mức độ hoạt động của bạn trong ngày.

Theo Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ và CDC, nhu cầu ngủ được khuyến nghị cho từng nhóm tuổi (mỗi 24 giờ) là:

- Trẻ sơ sinh (4-12 tháng): 12-16 giờ, bao gồm cả ngủ trưa.

- Trẻ mới biết đi (1-2 tuổi): 11-14 giờ, bao gồm cả ngủ trưa.

- Trẻ nhỏ (3-5 tuổi): 10-13 giờ, bao gồm cả ngủ trưa.

- Trẻ em trong độ tuổi đi học (6-12 tuổi): 9-12 giờ.

- Thanh thiếu niên (13-18 tuổi): 8-10 giờ.

- Người lớn (18 tuổi trở lên): 7 giờ trở lên. 

Nói chung, bạn biết mình đã ngủ đủ giấc nếu bạn thức dậy với cảm giác sảng khoái và có thể hoạt động bình thường trong suốt cả ngày mà không bị cơn buồn ngủ tấn công hoặc cần phải ngủ trưa.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/ngu-5-tieng-moi-dem-co-du-khong-20241021065316040.htm

  • Từ khóa