Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ 6, 01.11.2024 | 08:39:18
341 lượt xem

Thực hiện mục tiêu xóa nghèo bền vững, thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống thông qua hỗ trợ phát triển sản xuất đi đôi với xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa.

Người dân thôn Nà Săm, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể kiểm tra chất lượng cây cà gai leo.

Tạo sinh kế bền vững

Hơn một năm nay, trên những cánh đồng ruộng bậc thang ở thôn Nà Săm, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể xuất hiện mô hình canh tác mới. Những chân ruộng vốn trồng ngô, lúa nương, vụ được, vụ mất nhường chỗ cho giống cây dược liệu cà gai leo. Những hàng cây trồng đều tăm tắp, che phủ ni-lông dưới chân, có hệ thống tưới nước tự động cho nên sinh trưởng, phát triển tốt.

Anh Mông Văn Giới, thôn Nà Săm cho biết, từ năm ngoái anh tham gia trồng cây cà gai leo liên kết với Công ty TNHH một thành viên thương mại Ðông Nam Việt (DONAVI) trên diện tích hơn 1.000 m2. Công ty thu mua với giá 4.000 đồng/kg tươi. Vụ đầu, gia đình anh thu về hơn bảy triệu đồng, so với trồng ngô, lúa thì mức thu này cao hơn mà lại ổn định.

Công ty hỗ trợ người dân giống, phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học, bao tiêu sản phẩm. Nếu người dân thực hiện đúng kỹ thuật, hướng dẫn thì mỗi 1.000 m2 có thể cho thu nhập từ 7-12 triệu đồng/lứa. Cây cà gai leo có thể cho thu hoạch thân, lá, quả từ ba đến bốn lứa/năm và sau bốn năm mới phải trồng lại cây mới.

Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty DONAVI

Với mô hình mới này, 66 hộ dân ở Nà Săm, trong đó có 17 hộ nghèo đã có sinh kế mới bền vững. Người dân không chỉ có thu nhập ổn định mà còn thay đổi tư duy sản xuất sang hướng bài bản, áp dụng kỹ thuật hữu cơ thuần thục. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Thượng Giáo Ðặng Thị Anh Thơ, nhờ trồng cây cà gai leo, người dân đã bắt đầu có thu nhập khá và ổn định. Tương lai gần, khi nhà máy chế biến đi vào hoạt động, người dân có thêm cơ hội mở rộng canh tác và có sinh kế bền vững với thu nhập cao.

Dự án trồng dược liệu này là một trong những dự án lớn nhất về nông nghiệp của Bắc Kạn trong thời gian qua. Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Chủ trì liên kết là Công ty TNHH một thành viên thương mại Ðông Nam Việt.

Dự án có quy mô 225 ha với tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng, gồm: Khu vực nhà máy và sản xuất chế biến dược liệu tại xã Chu Hương; 150 ha trồng dược liệu tại các xã: Ðồng Phúc, Hoàng Trĩ, Quảng Khê, Mỹ Phương, Yến Dương, Thượng Giáo, Cao Thượng, Chu Hương. Dự án sẽ hình thành 70 ha vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao; phát triển mới 150 ha cho 18 loài dược liệu có giá trị kinh tế cao đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; hình thành ít nhất 10 hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu; liên kết và hỗ trợ ít nhất 1.000 người tham gia vào chuỗi sản xuất dược liệu, trong đó ít nhất 80% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; giảm được tỷ lệ nghèo bền vững từ 3-5%/năm trong vùng dự án.

Người dân ở Bắc Kạn không chỉ được hỗ trợ về hạ tầng, vốn mà còn được đào tạo nghề để phát triển sản xuất bài bản.

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn thực hiện kế hoạch tuyển sinh và đào tạo nghề cho 6.000 người (trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.000 người); giải quyết việc làm cho 6.400 người; đưa 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.000 người… trong đó, đối tượng chính là con em lao động đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, 10 dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang tạo nên những chuyển biến rõ rệt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị là động lực chủ chốt để tạo sinh kế bền vững.

Ðến nay, từ nguồn lực của chương trình, Bắc Kạn đã hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích hơn 49.182 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng tổng diện tích hơn 50.831 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất hơn 378 ha. Tỉnh đầu tư xây dựng 957 công trình hạ tầng thiết yếu, gồm: 469 công trình đường giao thông nông thôn; 15 công trình trường lớp học; 203 công trình thủy lợi; bốn công trình cấp điện nông thôn; 209 nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng thôn; 57 công trình quy mô nhỏ khác.

Bắc Kạn nỗ lực tối đa việc lồng ghép, phân bổ hợp lý nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm mọi vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được hỗ trợ để phát triển sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, tính đến đầu tháng 9/2024, toàn tỉnh triển khai 377 dự án hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí hơn 196 tỷ đồng. Trong đó, có 123 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và 254 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Vi Thị Thúy cho biết, nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang khẳng định hiệu quả, trở thành hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế cao cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những sự hỗ trợ ban đầu đã hình thành sinh kế bền vững, giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ là động lực chủ chốt trong việc tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tháo gỡ khó khăn

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, kết quả rà soát đầu kỳ (2021-2025), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 30,5%, đến cuối năm 2023 còn 24,4%, bình quân mỗi năm giảm 3%. Kết quả này có phần đóng góp từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chủ đạo là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tiến độ triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất ở hầu khắp các huyện đều chậm. Ðồng chí Vi Thị Thúy cho biết, qua kiểm tra ở các huyện, thành phố trong chín tháng đầu năm cho thấy việc giải ngân vốn các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc ba chương trình mục tiêu quốc gia đạt 21% nguồn vốn được giao, cao gấp 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do một số khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, dịch bệnh cho nên tỷ lệ giải ngân nguồn vốn chưa đạt.

Nguyên nhân là do việc thay đổi, ban hành lại các cơ chế chính sách mất nhiều thời gian dẫn đến ảnh hưởng quá trình triển khai thực hiện dự án. Luật Giá mới ban hành các văn bản hướng dẫn công tác thẩm định giá còn chưa kịp thời. Tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp cho nên một số dự án phát triển sản xuất chăn nuôi lợn không thể triển khai…

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, thực tiễn phát sinh nhiều khó khăn chưa thể sớm giải quyết dẫn tới tiến độ các dự án hỗ trợ sản xuất bị chậm. Có thể kể ra các nguyên nhân, như: Thiếu đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện thiết kế rừng theo quy định; nhiều quy định tại các nghị định, thông tư chưa sát thực tế; khó khăn trong huy động kinh phí đối ứng…

Ðể khắc phục tình trạng này, Sở Tài chính tỉnh Bắc Kạn kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn trong việc thẩm định giá theo Luật Giá mới; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất và mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ huyện, xã và các chủ trì liên kết, trưởng nhóm cộng đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án hỗ trợ sản xuất, tỉnh yêu cầu kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện. Ban cũng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo các kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành để kịp thời xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất bảo đảm đúng, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tỉnh phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao thực hiện các dự án hỗ trợ để đạt mục tiêu năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 3,5%; đưa ba xã và 325 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tao-sinh-ke-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post842443.html

  • Từ khóa