Đọc thông tin trên mạng nhiều người dễ đả kích hoặc ủng hộ thái quá

Thứ 6, 01.11.2024 | 14:56:49
430 lượt xem

Đại biểu Quốc hội cho biết đọc sách mang lại nhiều lợi ích, khác nhiều so với cập nhật kiến thức trên không gian mạng.

Phát triển văn hóa đọc sách

Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) trao đổi về lợi ích của việc đọc sách.

Theo đại biểu, đọc sách khác nhiều so với cập nhật kiến thức trên không gian mạng. Đọc sách giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác. Đọc thông tin trên mạng không đầy đủ nội dung dễ nảy sinh phiến diện, xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá.

"Thói quen đọc hết một cuốn sách giúp hình thành thói quen làm việc đến nơi đến chốn. Đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung", ông Cảnh cho hay.

Đọc thông tin trên mạng nhiều người dễ đả kích hoặc ủng hộ thái quá - 1

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Ảnh: QH).

Theo đại biểu, điểm yếu của người Việt có thể khắc phục nếu tạo thói quen đọc sách trong toàn xã hội. Người đọc sẽ nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức, có cái nhìn tích cực, thấu hiểu, chia sẻ với người xung quanh, phê phán thói hư, tật xấu.

Từ đó hình thành trong mỗi người cách nghĩ tích cực, hướng tới cái đẹp, giữa lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với lợi ích xã hội, góp phần xây dựng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Muốn người khác đọc sách, mình nên đọc trước. Đại biểu cho biết vừa đọc xong cuốn "Tật xấu người Việt" thấy được cách viết gần gũi tính cách đời sống người Việt.

Hiện nay, cha mẹ muốn con đọc sách để giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử, nhưng phần lớn cha mẹ không đọc sách.

Ông Cảnh cho rằng, trước đây nhân cách trẻ được hình thành qua giáo dục đạo đức, văn hóa từ thầy cô, phụ huynh, xã hội. Trẻ hiện nay tự do, đọc nhiều thông tin không chọn lọc.

Đại biểu đề nghị ngành giáo dục nên có quy định giao cho trẻ tiểu học về nhà đọc sách và tóm tắt nội dung để hình thành thói quen đọc sách; từ đó sẽ tạo điều kiện cho mọi người có không gian đọc ở mọi nơi.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung phát triển không gian đọc ở các khu vực công cộng, khu du lịch, khu vui chơi...

Cần nguồn lực lớn

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng chỉ tiêu "100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức và các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc" rất khó để đánh giá vì còn khá chung chung.

Để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì ngành giáo dục cùng với gia đình phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, sự thích ứng và văn hóa ứng xử cho người học từ gốc tức là bậc học mầm non.

Do đó, đại biểu cho rằng nên xác định chỉ tiêu đánh giá từ phía người học, lấy kết quả việc giáo dục nhân cách, lối sống đẹp của người học để làm thước đo thay vì đánh giá kết quả tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức.

Đọc thông tin trên mạng nhiều người dễ đả kích hoặc ủng hộ thái quá - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Ảnh: QH).

Với chỉ tiêu "70% cơ sở giáo dục có thư viện (với các đầu sách đa dạng, thiết bị phù hợp), sân chơi, bãi tập, nhà đa năng", bà Quyên Thanh bày tỏ, những chỉ tiêu này đòi hỏi cần có nguồn lực lớn để đầu tư, và phải có sự chuẩn bị lâu dài.

Thực tế khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho thấy, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện khác chưa được như mong muốn, nhiều địa phương chưa đủ nguồn lực để thực hiện.

Do đó, ngoài sự chủ động, quyết tâm của địa phương, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương nhất là những địa phương còn khó khăn để việc triển khai Chương trình này có thể đạt mục tiêu đã đề ra.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/doc-thong-tin-tren-mang-nhieu-nguoi-de-da-kich-hoac-ung-ho-thai-qua-20241101124725946.htm

  • Từ khóa