Vững bước trên chặng đường đổi mới

Thứ 2, 04.11.2024 | 08:40:14
379 lượt xem

Trải qua 193 năm xây dựng và phát triển (4/11/1831-4/11/2024), gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lạng Sơn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tạo dựng nên những thành tựu đáng tự hào trong công cuộc đổi mới.

Lạng Sơn là vùng đất “phên giậu”, cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống lịch sử và đấu tranh cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Tự hào truyền thống, vững bước đi lên  

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, những người con trên quê hương Lạng Sơn đã đứng lên kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước đánh bại nhiều cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Truyền thống đấu tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm đã nuôi dưỡng sức mạnh, tạo nên khí phách bất khuất của các thế hệ những con người sống trên vùng đất “phên giậu”, cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Một góc thành phố Lạng Sơn hôm nayMột góc thành phố Lạng Sơn hôm nay

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, năm 1933 chi bộ đảng đầu tiên của Lạng Sơn được thành lập, trải qua các thời kỳ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940; chiến dịch Thu - Đông năm 1947; chiến dịch đường số 4; chiến thắng Biên giới Thu - Đông năm 1950. Năm 1954, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp về sức người, sức của cùng với cả nước góp phần chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với cả nước, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã ra sức thi đua phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng “vừa chiến đấu, vừa sản xuất”, với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lạng Sơn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của “Cảng nổi” kiên cường, tiếp nhận, vận chuyển trên 120.000 tấn hàng hoá các loại, cung cấp kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến; động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, đóng góp quan trọng cho chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, ghi thêm nhiều chiến công to lớn, xây dựng quê hương ngày càng khang trang, tươi đẹp, khởi sắc.

Mười năm đầu (1986 - 1996) tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, vượt lên những thách thức sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, Liên Xô và tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường cùng những khó khăn vốn có, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của tỉnh, kịp thời hoạch định những chủ trương đúng đắn và năng động, sáng tạo trong chỉ đạo thực tiễn; đồng thời, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế cũng như các tầng lớp Nhân dân nên đã giành được những thành tựu bước đầu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao; đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia. Hệ thống chính trị từng bước được tăng cường, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp không ngừng được nâng cao; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với công cuộc đổi mới được củng cố vững chắc.

Quyết tâm cao, nỗ lực bứt phá

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (từ năm 1996 đến nay),  Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình thực tế của tỉnh trên cơ sở quán triệt quan điểm “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, cùng với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội và quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Trên cơ sở đó, căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh, Đảng bộ lựa chọn những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm để tập trung lãnh đạo, tạo tiền đề để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng nhiệm kỳ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song tỉnh đã có quyết tâm rất cao trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công “Cửa khẩu số”; ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng”; kinh tế của tỉnh có những chuyển biến tích cực, có tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục.

Đặc biệt, khu kinh tế cửa khẩu được tập trung phát triển nhanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quy hoạch hệ thống cửa khẩu được bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý thực hiện đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại ở các khu vực cửa khẩu. Giai đoạn 2016 - 2020, Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được Chính phủ lựa chọn là 1 trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước; được xác định có vai trò là khu kinh tế động lực chủ đạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, đáp ứng được cơ bản các hoạt động kết nối giao thương của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khu Kinh tế cửa khẩu đã trở thành vùng động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới. Công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn cũng đang được mở rộng; đã thành lập 3 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp của tỉnh lên 10 cụm.

Những năm qua, Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã, thôn vùng cao biên giới. Nhờ vậy, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện trên 98%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải hoặc bê tông hóa đạt 90,6%. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 98 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 24 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với việc tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số và các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường xây dựng môi trường văn hóa và các thiết chế văn hóa. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét.

Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tìm hiểu các hiện vật lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Ảnh: THU HIỀN

Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn; công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên luôn được Đảng bộ quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính tháng 9/2024, toàn Đảng bộ tỉnh có 684 tổ chức cơ sở đảng (308 đảng bộ cơ sở, 376 chi bộ cơ sở); đã kết nạp được 1.524 đảng viên, đạt 76,20% so với chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra, nâng tổng số đảng viên của toàn đảng bộ tỉnh lên 71.056 đảng viên. Công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ từ đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng cán bộ; đồng thời, tăng cường “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diên biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Quy chế dân chủ ở cơ sở được Nhân dân đồng tình đón nhận, triển khai với nhiều sáng tạo gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, khơi dậy và phát huy các nguồn lực trong Nhân dân.

Xác định quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển và từng bước hội nhập nên Đảng bộ tỉnh luôn đặt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở vị trí quan trọng trong toàn bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, luôn thấm nhuần chủ trương của Đảng về an ninh chủ động, tiến hành bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển.

Trong công tác đối ngoại, tỉnh Lạng Sơn quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tích cực, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện trên cả ba trụ cột (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) nhằm chủ động, tích cực hội nhập, tranh thủ tốt nhất các điều kiện quốc tế thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh biên giới, cửa ngõ kết nối Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, từng bước đưa tỉnh Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững; thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, bảo đảm xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định khu vực biên giới, nâng cao vị thế và quảng bá hình ảnh của tỉnh ra thế giới.

Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ, tỉnh Lạng Sơn đặt ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trên từng lĩnh vực. Cụ thể, bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chỉ rõ 4 trụ cột chính tương ứng với 4 chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đó là: tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp..


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/lang-son-vung-buoc-tren-chang-duong-doi-moi-5027016.html

  • Từ khóa