Năm 2024, tình hình kinh tế trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn. Để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 25/9/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2392/UBND-KT chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất và phát triển thị trường. Trong đó tập trung ưu tiên kích cầu tiêu dùng hàng Việt.
Thực tế, để kích cầu tiêu dùng hàng Việt, ngay từ đầu năm 2024, các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố và doanh nghiệp tích cực triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại; đẩy mạnh các chương trình phát triển hạ tầng thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, mục tiêu là tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Để quảng bá sản phẩm hàng Việt, nhất là sản phẩm hàng hoá đặc trưng của tỉnh, từ đầu năm đến nay, các sở, ngành liên quan đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu phù hợp với tình hình thực tiễn; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để kích cầu tiêu dùng.
Người dân lựa chọn sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam ở cửa hàng tự chọn, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc
Theo đó, từ đầu năm đến nay, riêng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã thành lập đoàn công tác tham gia 9 hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Trong đó, 100% sản phẩm hàng hoá được quảng bá, giới thiệu tại các hoạt động là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Điển hình như trong tháng 9/2024, trung tâm đã thành lập đoàn công tác tham gia Hội chợ Công Thương khu vực Tây Nguyên – Kon Tum 2024 tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tại hội chợ, các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh như: Trà Ô Long, trà diếp cá Lụa Vy, thạch đen, vịt quay, cao khô Vạn Linh, miến dong… nhận được sử quan tâm của đông đảo khách hàng và các sản phẩm trên đều “cháy hàng” trong những ngày đầu trưng bày.
Ngoài Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, từ đầu năm đến nay, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức 6 hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh, với hơn 500 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các tỉnh, thành; các sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại các hội chợ thương mại triển lãm, hội nghị kết nối giao thương trên địa bàn tỉnh, trong nước cũng như quốc tế mà tỉnh tham gia, tỉnh đều có các gian hàng trưng bày ấn phẩm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, kết nối cung - cầu.
Ông Trần Anh Thuần, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại và Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch nhấn mạnh: Trong mỗi hoạt động xúc tiến thương mại khi trung tâm tham mưu triển khai đều có nội dung trọng tâm là quảng bá, giới thiệu và kích cầu tiêu dùng sản phẩm hàng hoá thương hiệu Việt, trong đó ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, tại mỗi sự kiện, trung tâm thường xuyên quan tâm kết nối, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ để kích cầu tiêu dùng, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kích cầu tiêu dùng hàng hóa. Theo đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và được trưng bày trên các kệ hàng của những siêu thị lớn, uy tín như: vịt quay Lạng Sơn, dầu thực vật cao cấp dưỡng thần, dầu sở Xứ Lạng, macca sấy nứt vỏ, chè Ô Long, tinh dầu hồi… Đặc biệt, không chỉ ở thị trường trong nước, một số sản phẩm của tỉnh đã vươn ra thị trường nước ngoài như: tinh dầu sở xuất sang thị trường Trung Quốc; sản phẩm thạch đen dạng bột và hoa hồi khô xuất sang thị trường các nước như Ấn Độ, DuBai...
Khai thác hiệu quả các kênh phân phối
Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, các cơ quan liên quan, trong đó nòng cốt là Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai hiệu quả Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh… Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 điểm bán sản phẩm OCOP và 1 điểm bán hàng Việt Nam.
Ông Hoàng Ngọc Ái, đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Lạng Sơn - đơn vị quản lý điểm bán hàng OCOP tại đỉnh đèo Lùng Pa, xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Hiện nay, tại điểm bán hàng đang trưng bày, giới thiệu khoảng 60 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của của tỉnh như: tinh dầu hồi, hoa hồi khô, miến dong, cao khô Chợ Bãi... Ngoài các sản phẩm của tỉnh, chúng tôi còn liên kết để trưng bày thêm một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh khác như: Bắc Kạn, Bắc Giang, Lai Châu… Hiện, trung bình mỗi tháng, điểm bán hàng đón tiếp hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhập thêm các sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Qua đó, góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm mang thương hiệu Việt có chất lượng cao đến với người tiêu dùng.
Bên cạnh xây dựng, phát triển các điểm bán hàng, Sở Công Thương còn vận động các đơn vị phân phối hàng hoá lớn trên địa bàn tỉnh mở rộng kênh phân phối; tổ chức các chuyến xe lưu động đưa hàng Việt về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) thời gian qua đã chú trọng phát triển mạng lưới phân phối tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 100% sản phẩm do công ty phân phối đều là hàng chất lượng được sản xuất trong nước.
Ông Trần Thế Kiên, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú cho biết: Hiện nay, công ty đang có mạng lưới phân phối hàng hóa đến tất cả các siêu thị hàng tiêu dùng và khoảng 2.000 đại lý bán lẻ tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn bàn tỉnh. Cùng với đó, để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, hằng tuần, chúng tôi đều có các chuyến xe lưu động đưa hàng hóa đến các xã vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu khách hàng, chúng tôi tiếp tục chú trọng nhập và phân phối các mặt hàng thương hiệu Việt, trong đó ưu tiên các mặt hàng được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.
Điểm nổi bật trong công tác kích cầu tiêu dùng hàng Việt hiện nay đó là UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phối phối hợp tổ chức, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê, báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện tại, có hơn 30.000 lượt sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng được quảng bá, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, nằm trong tốp 5 tỉnh, thành có số sản phẩm và lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử nhiều nhất cả nước. Qua đó, đã góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm của Lạng Sơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ông Lã Đức Đoàn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu sở tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức các hội chợ quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam; các chương trình xúc tiến thương mại theo mô hình lồng ghép đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hoạt động bán hàng khuyến mại; thực hiện chương trình “nhận diện hàng Việt Nam” và xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện, thành phố; vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao hơn nữa việc thực hiệc Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình hiện nay.
Nhờ những giải pháp thiết thực và sự vào cuộc của các sở, ngành, cộng đồng doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, việc kích cầu tiêu dùng hàng Việt được triển khai hiệu quả. Theo số liệu thống kê, trên thị trường tỉnh hiện nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90% và trên 95% người tiêu dùng có tâm lý lựa chọn hàng thương hiệu Việt khi mua sắm. Qua đó góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định, bền vững.
Ngày 27/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước; ngày 25/9/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2392/UBND-KT chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố chú trọng thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân; chỉ đạo hệ thống phân phối trên địa bàn bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung - cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa; triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới... |
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/kich-cau-tieu-dung-hang-viet-5027024.html