Nâng cao “sức khỏe” đất trồng trọt

Thứ 7, 09.11.2024 | 09:04:53
286 lượt xem

Việc đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã đưa nền nông nghiệp nước ta có nhiều bước tiến vượt bậc cả về năng suất và chất lượng. Ðến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu một số mặt hàng nông sản như: Gạo, hạt điều, hạt tiêu đen, cà-phê...

Tuy nhiên, do nhiều nơi địa hình đồi núi dốc, đất dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất chất dinh dưỡng và lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học khiến giảm độ tơi xốp... đã ảnh hưởng đến “sức khỏe” đất và cây trồng.

Cả nước có khoảng 11,838 triệu héc-ta đất bị thoái hóa, trong đó riêng đất sản xuất nông nghiệp có 114.000 ha bị thoái hóa nặng, 1,655 triệu héc-ta thoái hóa trung bình và 3,308 triệu héc-ta bị thoái hóa nhẹ. Ðất trồng trọt bị suy giảm độ phì nghiêm trọng như hiện nay là do tác động rất lớn từ tập quán trồng nhiều vụ trong năm, bón quá nhiều phân vô cơ trong thời gian dài, ít sử dụng phân hữu cơ khiến nhiều nơi đất bị phá vỡ cấu trúc, trơ cứng không thuận lợi cho canh tác.

Tại những vùng sản xuất lúa lâu năm, tập quán độc canh cũng đã lấy đi nguồn dinh dưỡng lớn từ đất; chế độ bón phân áp dụng chưa hợp lý dẫn đến đất bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, thiếu trung vi lượng và chất hữu cơ...

Cả nước có khoảng 11,838 triệu héc-ta đất bị thoái hóa, trong đó riêng đất sản xuất nông nghiệp có 114.000 ha bị thoái hóa nặng, 1,655 triệu héc-ta thoái hóa trung bình và 3,308 triệu héc-ta bị thoái hóa nhẹ.

Thí dụ ở khu vực Ðồng bằng sông Hồng, hệ số sử dụng đất tăng cao, thời gian đất nghỉ ngắn, sử dụng phân bón hóa học nhiều, trong khi phân hữu cơ ít làm hàm lượng carbon hữu cơ trong đất bị suy giảm, đất bị chai cứng, mất kết cấu, dung tích hấp thu giảm.

Ðối với đất sản xuất nông nghiệp trên các vùng đồi núi, đất dốc thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, các nghiên cứu cho thấy hàm lượng hữu cơ trong đất canh tác nhiều vùng đã giảm xuống dưới 1%; hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng như: Ðạm, lân và kali dễ tiêu trong đất đều ở mức nghèo kiệt. Các nguyên tố trung lượng như can-xi, magie đều suy giảm mạnh, dao động từ 1 đến 1,2 cmol/kg đất. Thành phần lớp đất mặt cũng bị thay đổi khi tỷ lệ sỏi sạn tăng cao do các hạt mịn đã bị rửa trôi, độ chua của đất tăng lên thể hiện qua giá trị pH đất chỉ dao động từ 4,2 đến 5,0, thậm chí còn giảm thấp hơn xuống 3,8 đến 4,0.

Ðể khắc phục tình trạng này, ngày 11/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 3458/QÐ-BNN-BVTV về phê duyệt đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của đề án là ổn định và nâng cao “sức khỏe” đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, giải pháp được đưa ra là nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách trong trồng trọt nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng như: Khuyến khích việc bảo vệ, khai thác sinh vật có ích, phân bón sinh học, áp dụng các mô hình canh tác góp phần duy trì, nâng cao độ phì nhiêu đất và giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng và quảng bá các mô hình canh tác, mô hình sử dụng phân bón có hiệu quả nhằm nâng cao “sức khỏe” đất trồng trọt, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; hướng đến đồng bộ hóa các công cụ phục vụ chuyển đổi số các cơ sở dữ liệu về dinh dưỡng đất, sử dụng đất trồng trọt, phân bón thống nhất từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, hỗ trợ giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhu cầu tra cứu thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân...

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nang-cao-suc-khoe-dat-trong-trot-post843923.html

  • Từ khóa