Nâng cao chất lượng điều trị ung thư

Thứ 7, 09.11.2024 | 14:51:25
195 lượt xem

Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sĩ, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình, sự hỗ tích cực từ xã hội, cộng đồng.

Điều trị ung thư tại Việt Nam tiệm cận thế giới

Theo GS,TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, dự báo đến năm 2030, khoảng 75% số ca tử vong do ung thư sẽ xảy ra tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Trong 50 năm tới, gánh nặng ung thư dự kiến tăng 400% ở các nước có thu nhập thấp, 168% ở các nước có thu nhập trung bình và 53% ở các nước có thu nhập cao, do tác động của gia tăng dân số, tuổi thọ, đô thị hóa và thay đổi lối sống. Hơn nữa, chỉ 10% bệnh nhân ở các quốc gia có thu nhập thấp và 50-60% ở các quốc gia có thu nhập trung bình có thể tiếp cận xạ trị, so với 90% ở các quốc gia có thu nhập cao. "Điều này nêu bật sự bất bình đẳng giữa các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp - trung bình, trong đó có Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.

Nâng cao chất lượng điều trị ung thư

Điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K. Ảnh: HÀ TRẦN 

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dù đứng trước nhiều thách thức, nhưng suốt những năm qua, chuyên ngành ung thư ở nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Việt Nam đều tiệm cận với các quốc gia trên thế giới về thuốc, kỹ thuật điều trị ung thư. Ngoài tiến bộ trong điều trị, về thuận lợi trong chi trả bảo hiểm y tế như báo cáo gần đây nhất cho thấy năm 2023, chi trả cho thuốc điều trị ung thư lên tới hơn 7.500 tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, con số này năm 2022 là hơn 6.600 tỷ đồng (chiếm 14,5%).

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng đã đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện K và các đơn vị liên quan để khẩn trương hoàn thiện các bước chuẩn bị, xây dựng Đề án triển khai xạ trị Proton (một trong những phương pháp tiên tiến nhất trong điều trị ung thư hiện nay) trình Chính phủ để sớm triển khai kỹ thuật này, góp phần không chỉ người Việt Nam không phải ra nước ngoài điều trị mà còn thu hút người bệnh trong khu vực đến khám chữa bệnh tại Việt Nam

Tầm soát định kỳ để giảm gánh nặng điều trị

Tại Việt Nam, ung thư là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ hai, sau các bệnh lý tim mạch. Gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra chiếm 10% tổng gánh nặng bệnh tật do tất cả các bệnh khác. Chi phí điều trị ung thư cũng là gánh nặng kinh tế lớn đối với toàn xã hội...

GS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, ung thư là bệnh có đặc điểm khác biệt, đó là tái phát, di căn, cùng với gánh nặng tâm lý cho cả người bệnh và người nhà người bệnh nên việc quản lý bệnh nhân cũng có nhiều điểm khác so với các bệnh lý khác. Số ca mắc mới ngày càng tăng dẫn đến tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến cuối. Việc áp dụng các phương pháp điều trị kỹ thuật cao cùng với thuốc mới nên cần chi phí lớn cho điều trị bệnh nhân ung thư và cũng phần nào gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên ngành ung thư còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đòi hỏi chúng ta cần quan tâm hơn cho công tác đào tạo.

Nâng cao chất lượng điều trị ung thư
Điều trị cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: HÀ TRẦN 

PGS, TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện K chia sẻ, Việt Nam có tỷ suất mới mắc ung thư cao thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 20/47 quốc gia châu Á. Theo số liệu thống kê năm 2022, tại Việt Nam ước tính có hơn 180.000 trường hợp mới mắc ung thư và hơn 120.000 trường hợp tử vong do ung thư. Số ca ung thư mắc mới ở nam giới là hơn 95.300 ca, trong đó 3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày; nữ giới có 85.100 ca mắc mới, phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, trực tràng.

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chương trình và chính sách nhằm phòng chống và kiểm soát ung thư, phù hợp với xu hướng và hướng dẫn quốc tế. Từ năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư giai đoạn 2009 - 2020. Đến nay, Việt Nam có 11 bệnh viện chuyên ung bướu tại 9 tỉnh/thành phố; 23 trung tâm, viện ung bướu tại 13 tỉnh/thành phố, 78 khoa ung bướu tại 61 tỉnh/thành phố. Còn 2 tỉnh, thành chưa có đơn vị chuyên khoa ung bướu là Tây Ninh và Bình Phước. Ngoài ra, Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm chủng vaccine HPV cho học sinh nữ nhằm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, phòng chống ung thư gan; đồng thời tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc thay đổi lối sống lành mạnh và tầm soát định kỳ, phát hiện sớm để điều trị kịp thời.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/nang-cao-chat-luong-dieu-tri-ung-thu-802261

  • Từ khóa