Luật Nhà giáo khẳng định tầm quan trọng, vị thế xã hội của người thầy

Chủ nhật, 10.11.2024 | 15:57:33
281 lượt xem

Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật Nhà giáo ra đời rất có ý nghĩa, cần thiết bởi Luật khẳng định nghề giáo có tầm quan trọng, có vị thế đặc biệt trong xã hội; đây cũng là nhân tố quyết định chất lượng của một hệ thống giáo dục.

Luật Nhà giáo khẳng định tầm quan trọng, vị thế xã hội của người thầy- Ảnh 1.

Luật Nhà giáo ra đời rất có ý nghĩa, cần thiết, khẳng định nghề giáo có tầm quan trọng, có vị thế đặc biệt trong xã hội - Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 đang thu hút sự quan tâm lớn của của tri cả nước, đặc biệt là lực lượng giáo viên.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 50 điều. Theo đó, 6 điểm mới nổi bật của dự thảo Luật này như: Lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Thứ hai, nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp. Luật Nhà giáo chuẩn đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Thứ ba là chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

Thứ 4 là chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo. Nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Thứ 5 là chính sách tiền lương và đãi ngộ. Trong dự thảo Luật Nhà giáo, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non… Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp.

Thứ 6 là tăng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục. Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đưa nội dung giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật Nhà giáo ra đời rất có ý nghĩa, cần thiết bởi vì khẳng định nghề giáo có tầm quan trọng, có vị thế đặc biệt trong xã hội; đây cũng là nhân tố quyết định chất lượng của một hệ thống giáo dục.

Còn đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật, đồng thời cho rằng việc xây dựng luật dành riêng cho nhà giáo là cấp thiết để giải quyết các bất cập trong các chính sách hiện hành liên quan đến nghề nhà giáo như: Điều kiện làm việc; chế độ đãi ngộ; tiêu chuẩn nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi, nâng cao động lực cống hiến của nhà giáo, góp phần cải thiện chất lượng, tạo nền tảng phát triển tốt hơn cho ngành giáo dục Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, một trong những trọng điểm của dự thảo Luật Nhà giáo lần này là đảm bảo tiền lương của nhà giáo, đặc biệt cho những người làm việc ở vùng sâu vùng xa, sẽ thuộc mức ưu tiên cao trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp.

Các chính sách khác như phụ cấp đặc biệt và hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn cũng sẽ được điều chỉnh để thu hút nhân tài, nâng cao năng lực ngoại ngữ và áp dụng chuyển đổi số trong giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Kỳ vọng tạo chuyển biến trong ngành giáo dục

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TPHCM) đồng tình với việc có Luật Nhà giáo và bày tỏ kỳ vọng khi Luật được thông qua sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý cần bổ sung căn cứ của các Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục Đại học 2013 để làm cơ sở xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.

Đồng thời, ông cũng cho rằng trong dự thảo Luật, cần có chính sách tạo điều kiện để nhà giáo nâng cao trình độ cũng như ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của người thầy cho sự nghiệp giáo dục.

Với dự thảo Luật này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) mong muốn đưa nghề giáo về đúng với vị thế là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng. Đồng thời, bà Phong Lan cũng đề nghị đề có thêm những chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa; có chính sách tiền lương đủ sức hấp dẫn để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.

Liên quan đến chính sách thu hút nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn ĐBQH Nghệ An) đề nghị bổ sung 2 đối tượng, đó là những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; và những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên.

Theo ông Thành, những đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp học, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân.


Theo baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/luat-nha-giao-khang-dinh-tam-quan-trong-vi-the-xa-hoi-cua-nguoi-thay-102241109194814008.htm

  • Từ khóa