Thu hút nhân lực trình độ cao cho hoạt động khoa học, công nghệ địa phương

Thứ 2, 11.11.2024 | 09:13:56
367 lượt xem

Mặc dù công tác thu hút, tuyển dụng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ khoa học, công nghệ đầu ngành, các chuyên gia giỏi luôn được các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đặc biệt quan tâm, nhưng việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học trình độ cao về các địa phương vẫn còn hạn chế.

Giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Tăng số lượng và nâng cao chất lượng

Tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vừa qua, báo cáo của các địa phương cho thấy, trong 2 năm 2022-2023, nhân lực khoa học, công nghệ của vùng có sự tăng trưởng mạnh về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Theo số liệu thống kê, nhân lực khoa học, công nghệ vùng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (không bao gồm nhân lực trong tổ chức thuộc bộ ngành đóng trên địa bàn) năm 2022 có 17.302 người, năm 2023 tăng lên 25.389 người.

Nhân lực khoa học, công nghệ là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong nghiên cứu, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, vận dụng tri thức khoa học vào hoạt động thực tiễn sản xuất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội của địa phương; trực tiếp tham gia triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương luôn phát huy tốt vai trò, khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị.

Tỉnh Quảng Trị được đánh giá có đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với trình độ chuyên môn khá cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, năng suất chất lượng và đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 4 nghìn cán bộ nghiên cứu và phát triển. Nguồn nhân lực khoa học, công nghệ của tỉnh phần lớn có kỹ năng nghề nghiệp tốt. Nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao trong các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong các doanh nghiệp khoa học, công nghệ tuy không nhiều, nhưng là những cán bộ có chuyên môn sâu, là đội ngũ tiên phong trong các hoạt động khoa học, công nghệ. Tỉnh Nghệ An có nguồn nhân lực trẻ, với độ tuổi dưới 40 chiếm tỷ trọng lớn…

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều địa phương trong vùng đã phát huy mạnh mẽ vai trò của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật trong tư vấn, phản biện về khoa học công nghệ, cũng như tập hợp, huy động đội ngũ trí thức tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thanh niên, các tổ chức và cá nhân trong phong trào sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.

Cần có giải pháp thu hút nhân lực trình độ cao

Nguyên nhân nguồn nhân lực tăng một phần do trong vùng có nhiều trường đại học, trung tâm đào tạo đã tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Trong vùng cũng tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài… do đó, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề đã gắn với nhu cầu doanh nghiệp, đáp ứng được thị trường lao động.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, nhất là đội ngũ nhân lực nghiên cứu phát triển, nhân lực quản lý khoa học, công nghệ đã được các địa phương trong vùng rất chú trọng, thông qua việc tích cực cử cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ địa phương.

Mặc dù công tác thu hút, tuyển dụng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ khoa học, công nghệ đầu ngành, các chuyên gia giỏi luôn được các tỉnh trong vùng đặc biệt quan tâm, nhưng các địa phương thừa nhận, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học trình độ cao về các địa phương vẫn còn hạn chế; việc thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động góp phần phát triển kinh tế-xã hội, việc đào tạo nhân lực thông qua triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Từ những thực trạng nêu trên, tại Hội nghị giao ban khoa học, công nghệ, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đề nghị các địa phương cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của các tổ chức khoa học, công nghệ trong vùng; có giải pháp thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia khoa học, công nghệ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ ở địa phương, nhất là để tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học, công nghệ quy mô lớn, cấp thiết tại địa phương, có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các địa phương trong vùng tăng cường phối hợp với Bộ khoa học, công nghệ trong đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nhằm huy động, tận dụng nguồn lực quốc gia, bao gồm cả nguồn lực tài chính, chuyên gia khoa học, công nghệ, nhân lực trình độ cao… để giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ quy mô lớn, liên ngành, liên vùng.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thu-hut-nhan-luc-trinh-do-cao-cho-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-dia-phuong-post843997.html

  • Từ khóa