Chiến lược Blockchain Quốc gia và “cơ hội chia đều” cho mọi nền kinh tế

Thứ 2, 11.11.2024 | 14:40:19
359 lượt xem

“Nếu như Trí tuệ Nhân tạo (AI) là cuộc chạy đua về chi phí đầu tư và nền tảng công nghệ vượt trội chỉ dành cho các cường quốc kinh tế thì blockchain được coi là “cơ hội chia đều” cho mọi quốc gia. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn đó khi Chiến lược Blockchain Quốc gia chính thức được ban hành”.

Chiến lược blockchain quốc gia đề ra mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain. (Ảnh minh họa)

Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1236/QĐ/TTg, công bố Chiến lược Quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain.

Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và định hướng cụ thể cho sự phát triển của ngành công nghệ blockchain. Đồng thời, Chiến lược cũng định hình khung pháp lý tương lai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong một môi trường an toàn, minh bạch, thúc đẩy sáng kiến đổi mới, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và nhanh chóng hội nhập với xu thế công nghệ toàn cầu.

Đặc biệt, song song với Chiến lược Blockchain Quốc gia, Quốc hội cũng đang xem xét dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 5/2025. Những văn bản này sẽ là nền tảng pháp lý ban đầu vững chắc để thúc đẩy ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain còn non trẻ nhưng vô cùng tiềm năng này.

“Cơ hội chia đều” cho mọi nền kinh tế

Theo báo cáo mới nhất năm 2024 của Chainalysis, Việt Nam hiện đang có tới hơn 20 triệu người dân sở hữu tài sản mã hóa, chiếm 20% dân số và đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ chấp nhận tài sản mã hóa, chỉ sau Mỹ (vị trí thứ 4) và 3 quốc gia khác lần lượt từ trên xuống là Ấn Độ, Nigeria và Indonesia. Một báo cáo khác cũng đến từ Chainalysis, cho thấy dòng tiền mã hóa về Việt Nam trong năm vừa qua đạt tới 120 tỷ USD, tương đương hơn 1/4 tổng GDP cả nước.

Còn theo Bộ Khoa học và Công nghệ, 1 trong 4 kỳ lân công nghệ (giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD) của Việt Nam là Sky Mavis - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Web3.

Đáng chú ý, trong top 20 các quốc gia có mức độ chấp nhận tài sản mã hóa cao nhất thế giới, phần lớn là những cái tên thuộc nhóm đang phát triển như Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Việt Nam, Ukraine, Philippines,... cho thấy mức độ phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật hay quy định pháp lý không phải là rào cản đáng kể của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain.

Nói một cách khác, blockchain có thể coi là “cơ hội chia đều” cho mọi nền kinh tế mà đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần phải nhanh chóng nắm bắt. Đây có thể là cơ hội hiếm trong nhiều thập kỷ qua và trong tương lai nhiều năm sau này bởi hầu hết các cuộc chạy đua công nghệ từ trước tới nay, từ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, xe điện,.... đều đòi hỏi cả về chi phí đầu tư khổng lồ lẫn nền tảng công nghệ vượt trội mà các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khó lòng có thể cạnh tranh.

Đối với các doanh nghiệp, Chiến lược Blockchain Quốc gia mở ra nhiều cơ hội quan trọng để phát triển mạnh mẽ và đón đầu xu hướng trong ngành blockchain. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là việc tạo dựng một môi trường pháp lý thuận lợi và rõ ràng giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các giải pháp blockchain mà không lo ngại các rủi ro về tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, việc Chính phủ khuyến khích ứng dụng blockchain trong các ngành như tài chính, logistics, nông nghiệp, và quản lý dữ liệu tạo ra nhu cầu lớn từ các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong nước, giúp mở rộng thị trường ứng dụng blockchain, giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thêm không gian để tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ.

Thứ ba, Chiến lược Blockchain Quốc gia là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp tham gia các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), cho phép doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ blockchain trong môi trường an toàn trước khi đưa ra ứng dụng thực tế để tối ưu nguồn lực và tối thiểu rủi ro.

Thứ tư, định hướng của Chính phủ trong việc phát triển các nền tảng blockchain “Make in Vietnam” sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ, tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn sẵn sàng vươn ra thị trường quốc tế.

Đặc biệt, Chiến lược Blockchain Quốc gia chú trọng đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, yêu cầu đưa blockchain vào các trường đại học, cơ sở giáo dục ở ngành phù hợp và thúc đẩy phát triển các nền tảng học trực tuyến mở (MOOC - Massive Open Online Course) về Blockchain. Với đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, Việt Nam hoàn toàn có đủ căn cứ và nền tảng để các doanh nghiệp có được đội ngũ nhân lực có kiến thức sâu về blockchain, giúp họ đón đầu các xu hướng công nghệ mới.

Chiến lược Blockchain Quốc gia và “cơ hội chia đều” cho mọi nền kinh tế ảnh 1

Giảng dạy khóa học Toàn cảnh blockchain trên nền tảng học trực tuyến MasterTeck. (Ảnh chụp màn hình Masterteck.edu.vn)

Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp được giao nhiệm vụ trực tiếp trong Chiến lược Blockchain Quốc gia, VBA cũng có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và các cá nhân như phổ cập blockchain và AI thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp, đào tạo trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ phát triển các ứng dụng blockchain phù hợp với nhu cầu thị trường và quy định pháp lý.

Đặc biệt, VBA và đơn vị thành viên là Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII cũng đã sớm công bố MasterTeck, nền tảng học trực tuyến mở MOOC đầu tiên theo Chiến lược Blockchain Quốc gia để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu này.

Trong Chiến lược Blockhain Quốc gia, bên cạnh các bộ, ngành, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cùng các hội, hiệp hội nghề nghiệp, được giao chủ trì: Phát triển các nền tảng Blockchain Make in Việt Nam. Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng blockchain hoạt động trên Hạ tầng blockchain Việt Nam. Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thách thức và kỳ vọng về tương lai ngành blockchain Việt Nam

Thúc đẩy ứng dụng blockchain trên diện rộng tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích rõ nét, giúp mở rộng hệ sinh thái ứng dụng công nghệ blockchain và phát triển các mô hình kinh doanh mới trong nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, logistics, nông nghiệp, và quản lý dữ liệu công quốc gia. Những thành tựu này sẽ tạo động lực lớn cho ngành công nghiệp blockchain Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai, trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình bứt phá này cũng đi kèm với một số thách thức đáng kể và nhiều bài toán khó cần phải được giải đồng thời cùng lúc như hoàn thiện hệ thống pháp lý, thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng cao, thay đổi nhận thức và mô hình hoạt động truyền thống, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài và đầu tư cơ sở hạ tầng và các vấn đề bảo mật.

Thực tế cho thấy, mặc dù Chiến lược Blockchain Quốc gia đã đặt nền móng cho việc xây dựng khung pháp lý, nhưng quá trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều bộ ngành, có thể dẫn đến độ trễ trong việc ban hành các quy định, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong giai đoạn đầu.

Chiến lược Blockchain Quốc gia và “cơ hội chia đều” cho mọi nền kinh tế ảnh 2

Một chương trình trong chuỗi ABAII Unitour của VBA nhằm phổ cập Blockchain và AI cho sinh viên các trường đại học trên cả nước. (Ảnh: ABAII Unitour thứ 14 tại Trường Công nghệ - Đại học Kinh tế Quốc dân)

Về mặt công nghệ, blockchain là một lĩnh vực công nghệ đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn thiếu nguồn nhân lực am hiểu sâu, tư duy nhận thức và sự chấp nhận của đông đảo cộng đồng còn chưa đồng bộ. Vì vậy, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thay đổi nhận thức của cộng đồng, quy trình và cách tiếp cận của doanh nghiệp là một thách thức lâu dài, đòi hỏi thời gian và đầu tư đáng kể để tạo ra sự thay đổi cần thiết. Chỉ khi xây dựng được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nền tảng công nghệ hiện đại thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp quốc tế ngay trên sân nhà.

Bên cạnh đó, blockchain là công nghệ phức tạp, đòi hỏi các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để tránh rủi ro như tấn công mạng hay gian lận. Để duy trì an toàn trong việc triển khai blockchain trên diện rộng, các doanh nghiệp phải đầu tư vào các giải pháp bảo mật, quản lý rủi ro, và đảm bảo tính ổn định – đây là những thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, sau tất cả các thách thức, nhưng với quyết tâm cao từ Chính phủ, lộ trình chiến lược rõ ràng và sự cam kết từ các bên, những rào cản này sẽ sớm được từng bước tháo gỡ để đưa blockchain ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực trọng điểm, từ tài chính, logistics, y tế, giáo dục, và quản lý công.

Đặc biệt, Việt Nam có thể sẽ sớm hình thành hệ sinh thái blockchain toàn diện và đồng bộ trên nền tảng blockchain “Make in Việt Nam” chất lượng cao. Trong đó các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các cơ quan quản lý có thể liên kết chặt chẽ với nhau, thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, tạo môi trường hợp tác tích cực giữa các bên, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn ở phạm vi toàn cầu trong ngành blockchain, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ số.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chien-luoc-blockchain-quoc-gia-va-co-hoi-chia-deu-cho-moi-nen-kinh-te-post844245.html

  • Từ khóa